Đời sống - Xã hội
Tiếp cận thông tin đa chiều, đồng bào Khmer nỗ lực thoát nghèo
Bên cạnh những giải pháp giảm nghèo thiết thực đã và đang được triển khai trong vùng có đông đồng bào Khmer, giảm nghèo về thông tin cũng được xem là “lối mở” giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững.
Đầu tư trường lớp khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.
Từng bước tiếp cận, sử dụng các nền tảng, dịch vụ số
Tình trạng nghèo về thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, kinh tế - xã hội. Để bù đắp những thiếu hụt về thông tin, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra trọng tâm truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 6). Mục tiêu của dự án này là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.
Thời gian qua, song song với việc đầu tư hệ thống hạ tầng, các công trình dân sinh, triển khai các mô hình mới, giới thiệu những cách làm hay, sáng tạo để bà con Khmer có cơ hội tiếp cận, học hỏi để có thể áp dụng vào thực tiễn, giúp nâng cao thu nhập, mang lại cuộc sống ngày một sung túc thì các địa phương còn đẩy mạnh việc sửa chữa, lắp đặt loa, đài và hệ thống Wifi, Internet ở các khóm, ấp, nơi công cộng. Qua đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với Internet, truy cập mạng, tra cứu thông tin, giải trí… Nhờ vậy, đến nay hầu hết các ấp, khóm nơi có đông bà con Khmer sinh sống đều được phủ sóng mạng Wifi, Internet. Ông Lâm Vôl - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Biển Đông A (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), cho biết: “Nhờ được truyền thông về thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con tiếp cận với Internet… nên nhận thức của một bộ phận đồng bào Khmer đã tăng lên rất nhiều, không còn mê tín, sa vào rượu chè, cờ bạc mà đã biết chí thú làm ăn, chăm lo cho con cái học hành đàng hoàng… Không chỉ vậy, việc đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông còn giúp cho việc huy động quần chúng, tập hợp sức mạnh cộng đồng. Khi cần thông báo các nội dung quan trọng, cấp bách thì chỉ gọi điện, nhắn tin hoặc thông báo vào nhóm Zalo, Facebook là mọi người nắm bắt rất nhanh”.
Nông dân Khmer xã Vĩnh Phú Đông ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: C.L
Thay đổi nhận thức, mở hướng thoát nghèo
Hệ thống thông tin cơ sở được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các địa phương nơi có đông bà con Khmer sinh sống. Được tiếp cận các thông tin về chính sách, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, nhiều người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chủ động vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình ông Lý Thu (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), trước đây, cũng như nhiều hộ nghèo khác trong xóm, gia đình ông chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Qua nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của xã, kỹ thuật canh tác lúa thông minh, đồng thời xem tivi, nghe đài, gia đình ông đã dần thay đổi nhận thức, tự lực xây dựng mô hình kinh tế để thoát nghèo. Ông Lý Thu bộc bạch: “Trước đây đời sống kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm, nhờ được chính quyền địa phương quan tâm cho vay vốn, chỉ cách làm kinh tế, thông tin về thị trường, kỹ thuật… nên đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững. Có cuộc sống, thu nhập ổn định hơn, tôi có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang, mua sắm thêm phương tiện phục vụ sản xuất”.
Không chỉ dừng lại ở góc độ giải trí, tra cứu, ứng dụng thông tin, hiện nay các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cũng được bà con tận dụng triệt để để phát triển sản xuất, trong số đó có thể kể đến như: sử dụng máy bay điều khiển từ xa để làm ruộng, trồng rẫy, xem dự báo thời tiết, nhu cầu thị hiếu thị trường, tận dụng các trang mạng xã hội để bán hàng, mua sắm hàng hóa…
Ông Trần Anh Khiêm - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Đông, cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục triển khai toàn diện công tác truyền thông giảm nghèo về thông tin đến người dân và cán bộ làm công tác giảm nghèo. Trọng tâm là tuyên truyền về các dự án, mô hình giảm nghèo có hiệu quả; hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người nghèo chủ động hơn trong tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, cơ chế giảm nghèo, an sinh xã hội cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo bền vững. Đồng thời, hỗ trợ người dân dùng các ứng dụng thông minh trên điện thoại, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”.
Chí Linh
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững