Đời sống - Xã hội
Tiếp cận thông tin thuận lợi, giảm nghèo hiệu quả
Thực hiện Tiểu dự án 1 giảm nghèo về thông tin (thuộc Dự án 6 truyền thông và giảm nghèo về thông tin) của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giúp người dân tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo, các nguồn thông tin hữu ích nhằm nâng cao năng lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hội LHPN xã Định Thành A (huyện Đông Hải) hướng dẫn hội viên cập nhật thông tin trên thiết bị di động.
Tăng cường giải pháp giảm nghèo về thông tin
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thiếu hụt thông tin là một trong những chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, bên cạnh đa dạng các giải pháp tuyên truyền, TX. Giá Rai còn chú trọng nâng cấp, phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, đẩy mạnh phổ cập dịch vụ Internet, mạng di động gắn với chuyển đổi số, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân.
Hiện thị xã đã đầu tư trang bị phòng họp trực tuyến đến 10 xã, phường trên địa bàn. Riêng xã Phong Thạnh A và phường Láng Tròn được trang bị phòng họp trực tuyến đến từng khóm, ấp. Tất cả 100% khóm, ấp đều thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với gần 600 thành viên. Ngoài đầu tư 108 cụm loa thông minh, 100% xã, phường trên địa bàn thị xã đều có Internet băng thông rộng cáp quang và được phủ sóng 3G, 4G, đảm bảo cho người dân có thể kết nối mạng, cập nhật được thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Nhằm giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin truyền thông; tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, website của tỉnh và các ngành, địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở; cấp phát tờ rơi, tờ gấp… Từ đó, người dân dễ tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, học hỏi cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả; đồng thời, khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Hệ thống thông tin cơ sở được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Theo số liệu rà soát đến cuối năm 2023, toàn thị xã còn 656 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,86%), 1.182 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 3,36%) và 3.274 hộ có mức sống trung bình (chiếm tỷ lệ 9,30%).
Người dân xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi heo và bò. Ảnh: T.Q
Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận thông tin
Xác định công tác truyền thông, đưa thông tin đến người dân, đặc biệt là người nghèo đóng vai trò quan trọng, TP. Bạc Liêu thường xuyên cập nhật các văn bản, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo; tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương; mô hình, kinh nghiệm lao động sản xuất - kinh doanh kỷ niệm các ngày lễ lớn qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, Cổng thông tin điện tử của thành phố, Thành ủy. Trong 9 tháng qua, đã đăng 685 tin, bài, hình ảnh trên Cổng thông tin điện tử thành phố; có 220 tin, bài được đăng trên Trang thông tin điện tử Thành ủy; có 273 chương trình thời sự tổng hợp được phát trên hệ thống truyền thanh của thành phố và phường, xã.
Được tiếp cận các thông tin về chính sách, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, nhiều người nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như trường hợp của anh Trần An - hộ cận nghèo ở ấp Công Điền (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Anh An mong ước có được một khoản tiền để thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản vì gia đình chỉ có nửa công đất, không thể thực hiện mô hình sản xuất. Nắm bắt được nguyện vọng của anh, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho anh tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò và thời gian tới sẽ tạo điều kiện giúp gia đình anh thực hiện mô hình nuôi bò.
Đối với huyện Đông Hải, để nâng cao chất lượng tiếp cận thông tin, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ, kịp thời, chính xác chính sách về giảm nghèo, huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế gia đình; các thông tin cần thiết liên quan đến công tác giảm nghèo, nhất là các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, các cuộc họp..., qua đó kịp thời thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
Các ngành, địa phương, các hội, đoàn thể huyện cũng thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền giảm nghèo thông tin; hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số giúp người dân, hội viên, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống.
Nhà có 3 công đất chủ yếu nuôi tôm, cua quảng canh nhưng không hiệu quả nên nhiều năm liền gia đình bà Phạm Thị Rết (ấp Phan Mầu, xã Định Thành A, huyện Đông Hải) đều nằm trong diện hộ nghèo. Năm 2023, bà Rết được Hội LHPN xã Định Thành A hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, đồng thời tham gia nhóm Zalo của Hội để thường xuyên cập nhật thông tin về công tác Hội, các chính sách mới dành cho người nghèo và các tấm gương phụ nữ sản xuất giỏi. Hội còn hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội được 20 triệu đồng. Có vốn, có kiến thức về nuôi tôm qua học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ các phương tiện truyền thông, bà Rết đầu tư mô hình nuôi tôm - cua - cá kết hợp và đạt kết quả hơn mong đợi. Nhờ đó năm 2023, gia đình bà được công nhận thoát nghèo bền vững.
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin... để giúp hộ nghèo, cận nghèo từng bước tiếp cận, sử dụng các nền tảng và dịch vụ số. Qua đó chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Minh Luân