TP. Bạc Liêu: Điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững

Thứ Hai, 29/07/2024 | 15:31

Thời gian qua, TP. Bạc Liêu luôn đặc biệt quan tâm, dành mọi nguồn lực đầu tư ưu tiên, phát huy hiệu quả tối đa mọi chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh để thực hiện công tác giảm nghèo một cách quyết liệt, đồng bộ và toàn diện. Qua đó, không ngừng khơi dậy sức mạnh nội sinh, ý chí phấn đấu, khát vọng vươn lên của người nghèo, trở thành điểm sáng của tỉnh trong công tác giảm nghèo bền vững.

 Hội LHPN phường Nhà Mát hỗ trợ mô hình sinh kế cho hội viên, phụ nữ.

“Sâu địa bàn, sát đối tượng”

Cụ thể, thành phố đã thực hiện kịp thời các chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống cho hộ thuộc diện bảo trợ xã hội gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đồng thời, triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo của chương trình như: hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ về giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây dựng nhà ở… Theo đó, từ năm 2018 - 2023, thành phố đã huy động mọi nguồn lực xây mới 699 căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo và sửa chữa 34 căn, với tổng trị giá gần 27 tỷ đồng. Tạo điều kiện cho 16.689 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn sản xuất - kinh doanh, vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 414 tỷ đồng, giúp các hộ có điều kiện mua bán, chăn nuôi, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, đào tạo nghề cho 19.337 lao động và giải quyết việc làm cho 40.734 lao động, trong đó có 226 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, còn hỗ trợ, cấp phát 44.905 thẻ BHYT cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong đó thành phố vận động mua 2.572 thẻ BHYT cho hộ có hoàn cảnh khó khăn)...

Song song đó, các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực giúp đoàn viên, hội viên như: phong trào nông dân sản xuất giỏi; mô hình trao vốn sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo làm chủ hộ; mô hình thanh niên khởi nghiệp… Qua đó đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công tác giảm nghèo bền vững ở TP. Bạc Liêu đã đạt kết quả đáng phấn khởi. Đến cuối năm 2023, toàn thành phố chỉ còn 43 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, đã thực hiện thoát nghèo được 114/157 hộ.

 Bàn giao nhà tình thương cho hộ gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: T.Q

Vẫn còn gặp khó

Theo đánh giá của lãnh đạo TP. Bạc Liêu, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững song song với công tác an sinh xã hội đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong đó việc quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo với nhiều hình thức hỗ trợ trực tiếp như: hỗ trợ thẻ BHYT, xây dựng nhà ở, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo, hỗ trợ chi phí học tập… đã tạo được lòng tin trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình dự án hỗ trợ theo hướng nông nghiệp là phù hợp với trình độ của các đối tượng hưởng lợi và thế mạnh của địa phương, tạo được sự đồng thuận cao của người dân.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo cũng như thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững của thành phố hiện vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: một số hộ nghèo chưa ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Số lượng học viên thuộc hộ nghèo tham gia các lớp dạy nghề nông thôn chưa cao, do chưa xem việc đào tạo nghề là một trong những giải pháp căn cơ để giúp cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, số lượng hộ nghèo tham gia các cuộc họp tuyên truyền còn hạn chế. Số hộ nghèo, cận nghèo còn lại, nhất là hộ thuộc diện bảo trợ xã hội khả năng thoát nghèo thấp; một số hình thức hỗ trợ ở một số chi bộ khóm, ấp có lúc hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, chủ yếu là hỗ trợ nhu yếu phẩm, chưa có biện pháp hỗ trợ sản xuất...

Giải pháp giảm nghèo thực chất và bền vững

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác giảm nghèo, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch 65 ngày 21/10/2022 về tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về giảm nghèo bền vững đến năm 2025; Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo đến năm 2030. Cũng như, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo của người nghèo với các hình thức phù hợp; đặc biệt là tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo; khuyến khích các hộ chủ động đăng ký thoát nghèo. Huy động các nguồn lực đẩy mạnh triển khai các dự án, nhất là các dự án liên quan đến dân sinh, công cộng như hạ tầng giao thông, các dự án sinh kế cho người dân để tạo ra chuỗi liên tục, liên hoàn đồng bộ để góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là những đối tượng nghèo, cận nghèo để thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tập trung cụ thể đến từng dự án, đến từng gia đình và từng đối tượng thụ hưởng.

Song song đó, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ dạy nghề cho 100% lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo khi có nhu cầu học nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nghèo. Phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất - kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; được tiếp cận các chương trình dự án, đảm bảo 100% học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Đảm bảo 100% người nghèo, người cận nghèo được cấp phát thẻ BHYT khi có phát sinh nhân khẩu, phát sinh hộ mới.

Đối với các chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, thành phố yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các xã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của hộ nghèo và cận nghèo. MTTQ, đoàn thể thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát; UBND các phường, xã chỉ đạo công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, phản ánh đúng thực trạng đời sống người dân trên địa bàn; tạo mọi điều kiện tốt nhất để người nghèo, hộ nghèo tăng thu nhập, nâng cao đời sống sinh hoạt, thoát nghèo bền vững..., góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo và hạn chế tái nghèo.

Thanh Vũ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.