Đời sống - Xã hội
Trận mưa lịch sử trên địa bàn TP. Bạc Liêu: Những tác động cực đoan từ biến đổi khí hậu
Theo ghi nhận của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu, trận mưa lớn kéo dài 8 giờ (ngày 2/11) cộng với triều cường dâng gây ngập toàn thành phố là trận mưa lớn nhất trong 44 năm qua ở TP. Bạc Liêu. Mưa lớn gây ngập, có nơi ngập sâu từ 50 - 70cm gây khó khăn trong việc lưu thông của người dân. Một số diện tích sản xuất cũng bị ngập và thiệt hại.
Tuyến đường Lê Lợi (Phường 3, TP. Bạc Liêu) ngập sâu làm người dân lưu thông đi lại rất khó khăn.
Trận mưa lịch sử
Dù đã qua 1 tuần, người dân TP. Bạc Liêu vẫn chưa hết ngỡ ngàng về cơn mưa lớn kéo dài hơn 8 tiếng xảy ra ngày 2/11 khiến nhiều nơi ở TP. Bạc Liêu trở thành “biển nước”. Chị Trần Thu Ngọc (nhà trên đường Phan Đình Phùng, Phường 3) cho biết: “Thấy đường mới nâng cao nên gia đình không nghĩ nước sẽ ngập và tràn vào nhà nên không kê đồ đạc lên. Nhưng khi mưa kéo dài, ngoài đường nước ngập quá, gia đình phải huy động mọi người di dời hàng hóa và kê cao các vật dụng lên để không bị ướt. Từ trước đến giờ mới thấy TP. Bạc Liêu mưa lớn và ngập sâu như vậy”.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bạc Liêu, do ảnh hưởng bởi rãnh áp thấp có trục qua Nam Trung Bộ hoạt động mạnh, các nhiễu động gió đông trên cao hoạt động tốt đã xảy ra mưa rất to trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, theo Trạm khí tượng Nông nghiệp Bạc Liêu (đặt tại TP. Bạc Liêu) ghi nhận tổng lượng mưa đo được từ 7 giờ đến 16 giờ 40 phút ngày 2/11 tại TP. Bạc Liêu là 224,1mm (trong đó lượng mưa đo được từ 12 giờ 35 phút đến 16 giờ 15 phút - trong khoảng thời gian 3 giờ 40 phút, là 177,3mm), đạt mốc lịch sử 44 năm quan trắc mưa tại TP. Bạc Liêu về lượng mưa lớn nhất trong một ngày. Theo so sánh, mốc lịch sử trước đây kể từ khi có Trạm quan trắc Khí tượng đặt tại TP. Bạc Liêu trong giai đoạn 1980 - 2024, lượng mưa trong một ngày cao nhất đã xảy ra là 203,7mm.
Đánh giá về sự bất thường của cơn mưa ngày 2/11, ông Huỳnh Minh Nhân - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bạc Liêu cho biết: Cường độ mưa lớn trong thời gian ngắn, chỉ trong khoảng 4 giờ nhưng lượng mưa đo được hơn 180mm, điều này thể hiện sự cực đoan về thời tiết trên địa bàn tỉnh. Lượng mưa lớn kéo dài xảy ra ngay thời điểm xuất hiện đỉnh triều cao nên gây khó khăn cho việc thoát nước, dẫn đến ngập lụt vùng trũng thấp, đặc biệt là các tuyến đường vùng nội thị.
Không chỉ đường phố, nhà cửa bị ngập nước mà một số vùng sản xuất cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại. Cụ thể, mưa lớn và triều cường đã làm cho 571ha lúa bị ngập. Trong đó, có 71ha lúa thu đông của Phường 1, 7, 8 (TP. Bạc Liêu) và 500ha lúa đông xuân của xã Hưng Hội, Hưng Thành, Long Thạnh và Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) bị ngập úng. Về sản xuất rau màu, gần 2ha rau màu đã bị ngập và 3 hộ dân nuôi cá ở khóm 7 (Phường 5, TP. Bạc Liêu) bị thiệt hại khoảng 110 triệu đồng. Riêng ở các huyện Hòa Bình, Phước Long, Giá Rai, Hồng Dân do lượng mưa ít nên không ảnh hưởng đến sản xuất.
Thời tiết cực đoan sẽ còn xảy ra
Theo các cơ quan chuyên môn, đây là hiện tượng thời tiết cực đoan, hệ quả do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Dự báo từ đây đến cuối năm và thời gian tới, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bạc Liêu nhận định: các hiện tượng thời tiết thủy văn cực đoan sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra do tình trạng BĐKH ngày càng sâu sắc.
Trên thực tế, trong những năm gần đây tình trạng BĐKH đã biểu hiện một cách rõ rệt với tốc độ nhanh hơn dự báo. Các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm khi kết hợp với nhau như triều cường cộng với mưa lớn, triều cường cộng với gió mạnh, sóng lớn trên biển,… thì các tác động sẽ ngày càng gia tăng. Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi, nhất là những dự báo, cảnh báo về thời tiết thủy văn nguy hiểm và các khuyến cáo từ ngành chức năng về triều cường, mưa lớn… để có phương án ứng phó tốt nhất.
Ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Để ngăn triều cường kết hợp với lượng mưa gây ngập sâu, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động ngăn triều cường từ sớm, qua đó đóng tất cả các cống dọc đê biển. Đồng thời, cho mở các cống dọc Quốc lộ 1A vùng Bắc để tiêu toàn bộ nước trong nội đồng không làm ảnh hưởng đến vụ lúa. Đến khi triều cường rút, toàn bộ hệ thống cống dọc đê biển đã được mở hoàn toàn để tiêu nước. Mặc dù hệ thống cống đã hoạt động 100% nhưng do lượng mưa quá lớn, trùng với lịch triều cường dâng cao dẫn đến ngập lụt cục bộ một số nơi.
Giải pháp chống ngập úng trước mắt của TP. Bạc Liêu là tiến hành nạo vét thường xuyên các tuyến cống thoát đô thị nhằm tránh bị lắng gây ngập nước. Kịp thời khơi thông các cửa cống thoát chống ngập… Sở NN&PTNT cũng tích cực triển khai các giải pháp chống úng, bảo vệ mùa màng cho nông dân. Tuy nhiên, vẫn rất cần những giải pháp lâu dài và hiệu quả để làm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ BĐKH.
Minh Đạt
- 32 dự án vào Vòng chung khảo Giải thưởng Hành động vì cộng đồng 2024
- Quy hoạch chung thị xã Giá Rai đến năm 2045
- Rộn ràng sinh khí chào mừng Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu
- Người cao tuổi tích cực đóng góp xây dựng Đảng
- Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Công ty TNHH Nuri Flex Việt Nam đến tìm hiểu các dự án năng lượng tái tạo