Đời sống - Xã hội
Triển khai chương trình phòng, chống ma túy và mại dâm giai đoạn 2021 - 2025
Khi toàn tỉnh bước vào trạng thái bình thường mới, Sở LĐ-TB&XH đã mở nhiều lớp tập huấn cả trực tiếp và trực tuyến cho công chức cấp huyện và cấp xã phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) trong toàn tỉnh. Nhiều chương trình, kế hoạch, đề án lớn của tỉnh mang tính dài hơi cho giai đoạn 5 năm đã được triển khai tại các lớp tập huấn này.
KIỂM SOÁT CHẶT MT 5 NĂM TIẾP THEO
Trong Kế hoạch 143 ban hành ngày 4/10/2021 về triển khai, thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy (MT), giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, UBND tỉnh đề nghị cần tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp; lấy phòng ngừa là chính; tích cực đấu tranh ngăn MT từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể cả về giảm cung, giản cầu và giảm tác hại của MT nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch này được UBND tỉnh đưa ra là: Phấn đấu kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện MT và số xã, phường, thị trấn có tệ nạn MT dưới 1% so với năm trước; trên 80% số người nghiện và sử dụng trái phép chất MT có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện MT, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Số vụ phạm tội về MT được phát hiện, bắt giữ hàng năm tăng từ 5% so với năm trước; trên 90% số vụ án về MT được giải quyết, xét xử. 100% vụ việc có thông tin về vận chuyển trái phép chất MT qua đường biển, hàng không, chuyển phát nhanh được xác minh làm rõ, đảm bảo không để hình thành số điểm, tụ điểm phức tạp về MT. Kiểm soát chặt chẽ 100% các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y và các loại cây trồng có chứa chất MT, tiền chất MT…
Trong nhóm biện pháp, giải pháp, UBND tỉnh yêu cầu tập trung vào công tác phòng ngừa xã hội, coi trọng phòng ngừa ngay tại cơ sở, nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường xây dựng, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống MT, nêu cao tinh thần cảnh giác của mọi người dân. Phát hiện, tố giác với chính quyền, công an về đối tượng hoạt động phạm tội, các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất MT. Vận động Nhân dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số không trồng cây có chứa chất MT, không tham gia hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất MT…
Pa-nô tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.Đ
ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM
Trong Chương trình phòng, chống mại dâm (PCMD), giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Minh Túy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua việc lồng ghép với các chương trình có liên quan tại cơ sở. Thông tin về PCMD thường xuyên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Nhiệm vụ trước mắt trong năm 2021 là các cấp, các ngành có liên quan tổ chức rà soát, hướng dẫn, triển khai thực hiện mô hình thí điểm về PCMD đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, duy trì mô hình có hiệu quả từ giai đoạn trước. Thiết lập mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm tác hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân và một số nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm.
Không dừng ở đó, tỉnh còn đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở, mạng lưới cung cấp dịch vụ hỗ trợ về giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương phải xem công tác PCMD là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả PCMD ở địa phương, đơn vị.
ĐẨY LÙI HOẠT ĐỘNG MUA BÁN NGƯỜI
Trong Kế hoạch tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán năm 2021 trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đánh giá, nạn nhân bị gạt bán chủ yếu là phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số có kinh tế gia đình khó khăn, thiếu thông tin, thiếu kiến thức về phòng, chống mua bán người. Mặt khác, một bộ phận phụ nữ có lối sống thực dụng, chạy theo vật chất nhưng thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin nên dễ rơi vào cạm bẫy của bọn tội phạm mua bán người.
Nạn nhân bị bán chủ yếu ra các nước: Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia… nhằm mục đích mại dâm, đẻ thuê, làm vợ… Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có trên 100 nạn nhân bị mua bán (bao gồm có hồ sơ và nghi vấn).
Chính vì vậy, trong Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về mua bán người. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. UBND tỉnh giao các cơ quan bảo vệ pháp luật đẩy mạnh điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người; thực hiện các biện pháp giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Tăng cường quản lý tuyến biển, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, môi giới, tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập, du lịch và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm về mua bán người. Đặc biệt là thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc mua bán người đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Lựa chọn, xác định các vụ án trọng điểm để xét xử kịp thời, nghiêm minh nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
TẤN ĐẠT
---------------------------------------------
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, đi cùng các giải pháp mạnh, các chính sách về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về cũng được UBND tỉnh tính đến, tuy nhiên, nhìn chung còn quá ít và ở mức thấp. Cụ thể, khi nạn nhân trở về nơi cư trú nếu thuộc diện hộ nghèo thì chỉ nhận được chính sách hỗ trợ một lần với mức tối thiểu 1 triệu đồng/nạn nhân và Bạc Liêu chỉ áp dụng ở mức tối thiểu.
Thực tế đã qua, những nạn nhân bị mua bán trở về nơi cư trú nhưng không có nhà ở, gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ nhà ở cho nạn nhân thuộc trường hợp này, chỉ qua các nguồn vận động, đóng góp của cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ. Một số trường hợp bị mua bán khi trở về nơi cư trú có con theo cùng (con sinh ra tại nước ngoài) đang gặp khó về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, không được đi học… Do đó, theo ông Bùi Minh Túy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Sở đã đề xuất cơ quan thẩm quyền cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ nhà ở đối với những nạn nhân bị mua bán khi trở về không có nhà ở. Các cơ quan Công an, Tư pháp cần có quy định, hướng dẫn về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu cho con của nạn nhân bị mua bán cùng trở về.
- Họp mặt các chức sắc Công giáo nhân Lễ Giáng sinh năm 2024
- Giám sát công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Hòa Bình
- Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng năm 2024
- Kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Bạc Liêu khóa XII: Thống nhất thông qua 14 nghị quyết quan trọng
- 450 cán bộ, đoàn viên - thanh niên, người dân tham gia hiến máu tình nguyện tháng 12/2024