Đời sống - Xã hội
Triển khai nhiều dự án đầu tư cho công tác giảm nghèo
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo, thời gian qua, Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai nhiều dự án đầu tư cho hộ nghèo và mang lại những kết quả đáng phấn khởi.
TẠO SINH KẾ VÀ VIỆC LÀM
Từ năm 2021 - 2024, toàn tỉnh triển khai hỗ trợ được 92 mô hình, dự án Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo cho trên 800 hộ nghèo, cận nghèo cùng hộ mới thoát nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thông qua dự án với các mô hình như: nuôi bò sinh sản, nuôi chồn hương, nuôi gà, vịt xiêm, nuôi heo thương phẩm, nuôi cá kết hợp, trồng rau an toàn… đã tạo thêm thu nhập, việc làm cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hướng đến thoát nghèo bền vững.
Cùng với Dự án Đa dạng hóa sinh kế còn có Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất và cải thiện dinh dưỡng. Đối với dự án này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập huấn, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai thực hiện các dự án. Kết quả, toàn tỉnh đã triển khai được 35 dự án với tổng kinh phí thực hiện trên 5,7 tỷ đồng. Đơn cử như, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) đầu tư 840 triệu đồng triển khai mô hình nuôi cá kèo thâm canh trong ao đất cho nhiều hộ nghèo. Hay như Sở Y tế đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho 2.000 trẻ em dưới 5 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, tư vấn dinh dưỡng cho 3.500 bà mẹ có con dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai… thuộc tiểu Dự án 2 về cải thiện dinh dưỡng.
Bên cạnh các dự án trên, Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững cũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề, kỹ thuật nuôi tôm, nuôi gà, nuôi heo… cho hàng trăm lao động. Ngoài ra, còn tổ chức Ngày hội việc làm và phiên giao dịch việc làm, thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia, qua đó tư vấn, kết nối việc làm cho hàng ngàn lao động. Mặt khác, còn hỗ trợ kết nối việc làm thành công thông qua việc Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện nhiệm vụ đặt hàng để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại địa phương…
Mô hình nuôi vịt và trồng rau màu từ Dự án Đa dạng hóa sinh kế dành cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.A
Đi cùng với những thuận lợi thì trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Ngoài khó khăn là do cùng thời điểm vừa triển khai, vừa ban hành các văn bản theo quy định; đồng thời quy trình ban hành phải có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm thì công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương từng lúc thiếu chặt chẽ, nhất là việc tham mưu xây dựng các kế hoạch thực hiện còn chậm so với yêu cầu, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa phục vụ công tác giảm nghèo. Mặt khác, do tác động của biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, chênh lệch về thu nhập và mức sống ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người dân, đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo và công tác giảm nghèo trong giảm nghèo bền vững. Công chức làm công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, còn kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác làm ảnh hưởng đến chuyên môn, tiến độ công việc…
NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Song, từ công tác giảm nghèo cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và tạo nên những tiền đề cho giai đoạn giảm nghèo bền vững tiếp theo. Đó là việc ban hành các văn bản đầy đủ, kịp thời sẽ là cơ sở và điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện các nội dung của chương trình theo quy định. Bởi thực tế, do các quy định ban hành còn chậm, thiếu đồng bộ nên trong giai đoạn đầu còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần tinh gọn đầu mối, tập trung chỉ đạo, điều hành thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Chương trình cũng thiết kế riêng một dự án về công tác truyền thông, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.
Đối với các hoạt động cùng phương thức tổ chức thực hiện, cùng đối tượng tác động, chỉ khác nhau về nội dung truyền tải thì các nội dung sẽ được lồng ghép trong cùng một hoạt động, trên cơ sở chỉ rõ cơ quan chủ trì, phù hợp với quy định của pháp luật và định kỳ được xem xét, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn, nhằm tránh chồng chéo, gây lãng phí thời gian, kinh phí.
Cùng với đó, việc phân công trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy, đơn vị phụ trách hỗ trợ, phân công đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo góp phần thực hiện chương trình hiệu quả, thực chất hơn, tạo mối quan hệ, trách nhiệm giữa cơ quan, đơn vị thực hiện với đối tượng thụ hưởng chương trình.
Việc triển khai, thực hiện các dự án, tiểu dự án phải bám sát các quan điểm, chủ trương, các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; thực hiện đúng đối tượng, đúng phạm vi, có sự tham gia của người dân, đối tượng hưởng lợi; bảo đảm các nguyên tắc dân chủ, công khai, không trùng lắp nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có sự tham gia, giám sát của cộng đồng và của xã hội; bảo đảm mục tiêu của dự án, tiểu dự án. Các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở có sự phân công, phân cấp cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện. Tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng và các tổ chức đoàn thể vào mọi hoạt động của chương trình, từ việc lập kế hoạch triển khai, quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá kết quả đến việc thụ hưởng thành quả từ các hoạt động của dự án; tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các dự án đầu tư cho hộ nghèo…
TRẦN YẾN
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh
- Khởi động Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và giảm phát thải
- Tỷ phú nuôi nghêu - Huỳnh Mừng Em: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024