Vươn khơi​ mùa mưa bão

Thứ Tư, 03/07/2024 | 15:54

Vào mùa mưa bão, hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân trở nên khó khăn và nguy hiểm do sóng to, gió lớn. Để đảm bảo an toàn cho người và tàu, ngoài những nỗ lực của ngành chức năng, ngư dân cũng cần tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi hành nghề.

Các vỏ lãi được ngư dân sử dụng đánh bắt hải sản ven bờ neo đậu ở cửa biển Nhà Mát.

Đảm bảo an toàn mới vươn khơi

Theo thống kê, rà soát của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 890 chiếc tàu cá đăng ký, đăng kiểm, tổng công suất hơn 202.000CV; tổng số thuyền viên gần 5.400 người. Bên cạnh đội tàu có công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi, bám biển dài ngày thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều tàu nhỏ. Đặc biệt là các loại vỏ lãi được người dân vùng ven biển cải tạo để làm phương tiện đánh bắt, hành nghề. Đa phần các phương tiện này hoạt động theo con nước, sáng ra biển, chiều vào bờ; không được trang bị các dụng cụ cứu hộ thiết yếu như áo phao, thiết bị liên lạc,... nên khi có sóng to, gió lớn, ngư dân rất dễ gặp nguy hiểm, trong khi chính quyền địa phương, ngành chức năng cũng rất khó tiếp nhận thông tin để có thể ứng cứu kịp thời.

Theo ông Lê Thanh Đạm - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tỉnh, để đảm bảo an toàn trên biển, vấn đề quan trọng là tàu cá phải được trang bị đầy đủ và đảm bảo an toàn thì mới rời cảng. Khi sản xuất trên biển, ngư dân phải thường xuyên giữ liên lạc, bật thiết bị giám sát để được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời. Khi gặp điều kiện thời tiết nguy hiểm, ngư dân phải tuân thủ hướng dẫn, đưa tàu thoát ra khỏi vùng biển nguy hiểm, đến nơi tránh trú an toàn… Trong quá trình làm thủ tục xuất bến cho tàu cá vươn khơi, các lực lượng tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Gành Hào luôn tiến hành kiểm tra, kiểm soát rất kỹ các hồ sơ về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, văn bằng, chứng chỉ, danh bạ thuyền viên… Đồng thời kiểm tra thực tế việc trang bị thiết bị giám sát hành trình tàu cá, thiết bị hàng hải, máy thông tin liên lạc, định vị và các trang bị cứu sinh, cứu hỏa. Chỉ những tàu đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị theo quy định mới được vươn khơi.

Ngư dân Gành Hào xuất bán hải sản sau chuyến đi biển. Ảnh: C.L

Đồng hành cùng ngư dân

Theo ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mùa mưa bão năm nay diễn biến rất khó dự báo. Do đó, để đồng hành cùng ngư dân bám biển, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các địa phương, Chi cục Thủy sản tỉnh bố trí lực lượng trực ban 24/7, theo dõi hoạt động khai thác của toàn bộ tàu cá trên biển; duy trì thông tin liên lạc với gia đình chủ phương tiện, thuyền viên, kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các tàu bị nạn. Song song đó là đẩy mạnh việc tổ chức hoạt động đánh bắt trên biển theo mô hình tổ, đội nhằm đoàn kết, giúp nhau mỗi khi có tình huống bất ngờ trên biển. Thuyền trưởng Lê Minh Tiến ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) chia sẻ: “Việc thành lập đội tàu giúp đỡ nhau khi cần trên biển rất hay và ý nghĩa. Giữa mênh mông biển cả, có những người bạn xung quanh thì cảm thấy yên tâm hơn. Hoặc khi có thông tin về thời tiết xấu mà mình chưa kịp cập nhật, anh em sẽ gọi báo để mình tìm nơi neo đậu an toàn hơn”.

Để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho ngư dân những kiến thức về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho hàng trăm chủ tàu cá tại các địa phương ven biển. Qua tập huấn, ngư dân được cập nhật các thông tin về quy định của pháp luật khi sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện; được hướng dẫn chi tiết để khai thác máy bộ đàm tầm xa và tầm gần; sử dụng các thiết bị vô tuyến điện để liên lạc với các tổ chức, đơn vị khi gặp sự cố trên biển... Bên cạnh việc trang bị kiến thức, phương tiện liên lạc, công tác đảm bảo toàn cho tàu, thuyền vào tránh trú khi có điều kiện thời tiết xấu xảy ra cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp hạ tầng cảng cá.

Những chuyến biển an toàn, đầy ắp cá tôm khi tàu vào bờ luôn là niềm vui mừng, phấn khởi của bà con ngư dân xứ biển. Nghề khai thác biển ở Bạc Liêu không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân, mà còn tạo nguồn nguyên liệu dồi dào, phục vụ chuỗi ngành hàng sản xuất, chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa Bạc Liêu từng bước thực hiện thành công mục tiêu mạnh từ biển, làm giàu từ biển.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.