Đời sống - Xã hội
Vượt lên nỗi đau da cam
Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ, nhưng di chứng da cam vẫn còn đeo bám nhiều gia đình. Dù mang trong mình nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường cộng thêm sự hỗ trợ, quan tâm của cả cộng đồng đã giúp những nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) có thêm động lực vượt qua số phận, trở thành người có ích, thành đạt trong cuộc sống.
Anh Bùi Hữu Nam bán thuốc cho khách.
Bước qua rào cản chính mình
Ngay từ khi chào đời, cơ thể anh Bùi Hữu Nam (Phường 5, TP. Bạc Liêu) đã không lành lặn với một bên chân khiếm khuyết. Anh không thể đi lại được mà chỉ có thể bò. Năm lên 6 tuổi, anh bắt đầu khao khát được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Đam mê con chữ là động lực thôi thúc anh Nam vượt qua rào cản số phận. Quyết tâm tập đi, với sự hậu thuẫn của cây nạng gỗ cùng bao lần té lên ngã xuống, anh đã có thể đi lại trên đôi chân của chính mình. Lên 9 tuổi anh mới vào học lớp 1 và bắt đầu hành trình học tập.
Bất kể nắng mưa, mỗi ngày phải dùng nạng để đi hơn 500m mới tới trường, nhưng Nam không vắng mặt một buổi học nào. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh tiếp tục học trung cấp Dược tại Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu rồi học lên cao đẳng. Năm 2007, cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, anh đầu quân vào công tác ở ngành Y tế, thời gian này anh tranh thủ vừa làm vừa đi học tại Trường đại học Nam Cần Thơ. Ròng rã nhiều năm, chiếc xe máy 3 bánh và cây nạng đồng hành cùng anh từ Bạc Liêu lên Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp đại học, với kiến thức học được anh tận lực đóng góp công việc tại Trạm Y tế Phường 1. Đến năm 2021, anh mở thêm quầy thuốc tây tại nhà, qua đó không chỉ có thu nhập ổn định mà còn giúp và tạo việc làm cho 2 lao động.
Cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, khi hòa bình lập lại, vợ chồng bà Trần Thị Hồng - ông Huỳnh Văn Lãnh (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đều không biết mình đã nhiễm chất độc hóa học, cho đến khi người con út - Huỳnh Phương Đông phát triển bất thường, mọi sinh hoạt phải cậy nhờ vào cha mẹ. Dù làm việc gì cũng gặp khó khăn, trở ngại, song Đông rất thương cha mẹ, vẫn cố gắng phụ giúp mẹ hết mức có thể. Cuối năm 2024, gia đình Đông được Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh phối hợp với đơn vị tài trợ hỗ trợ vốn thực hiện mô hình sinh kế - mở quán giải khát, giúp gia đình có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.
Anh Huỳnh Phương Đông vui mừng khi nhà tài trợ ghé thăm. Ảnh: T.Q
Chung tay giúp đỡ NNCĐDC
Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng với 1.700 NNCĐDC/dioxin đang hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên. Nhiều gia đình có 2 - 3, thậm chí là 7 người mang di chứng bởi chất độc da cam. Nhiều người bị di chứng nặng, mắc các bệnh hiểm nghèo, có người phải nằm liệt giường, chậm phát triển trí não... Trong khi đó, các thế hệ nạn nhân trực tiếp từng tham gia kháng chiến trước đây đều đã già yếu, đau ốm thường xuyên, nhiều người quanh năm phải lo chăm sóc, chạy chữa cho con, cháu là nạn nhân gián tiếp, nên cuộc sống, kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn...
Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau cho NNCĐDC, những năm qua, ngoài chế độ đãi ngộ của Nhà nước, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp có nhiều nỗ lực trong vận động các nhà hảo tâm để có điều kiện và chủ động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân dịp lễ, tết, Ngày vì NNCĐDC Việt Nam - 10/8. Có nhiều hộ gia đình là NNCĐDC còn được hỗ trợ về nhà ở, vốn sản xuất…, qua đó tạo động lực để các nạn nhân vươn lên phát triển.
Theo Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, hơn 17 năm qua các cấp Hội trong tỉnh đã nỗ lực vận động được hơn 25 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật) để xây mới 168 căn, sửa 19 căn mái ấm da cam, tặng phương tiện sản xuất và hỗ trợ vốn sinh kế, tặng bò giống, dê sinh sản cho 159 hộ gia đình; tặng 756 chiếc xe lăn, xe lắc…; khám, cấp thuốc và trị liệu phục hồi chức năng cho hơn 1.200 nạn nhân; thăm và tặng quà nhân Ngày vì NNCĐDC hằng năm, góp vốn cùng Trung tâm Bảo trợ xã hội xây nhà nuôi dưỡng NNCĐDC và hỗ trợ điều trị bệnh nặng, cấp học bổng, hỗ trợ khó khăn đột xuất, thăm bệnh, phúng điếu khi nạn nhân từ trần...
Sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng chính là động lực giúp nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh có thêm điểm tựa, động lực vượt qua khó khăn và tiếp tục sống có ích cho xã hội. Nhiều người đã tìm thấy được nụ cười hạnh phúc sau những nỗ lực không mệt mỏi, khát vọng sống hòa nhập và truyền lửa cho những người đồng cảnh ngộ, vượt qua nỗi đau tật nguyền.
Minh Luân