Đời sống - Xã hội
Xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản: Cần sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng
Là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn, sản lượng đạt cao, Bạc Liêu đã và đang phát huy thế mạnh này nhằm xây dựng tỉnh trở thành “thủ phủ” ngành tôm công nghiệp của cả nước. Song cùng với tiềm năng, lợi thế từ con tôm mang lại, môi trường cũng đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là việc xử lý nước thải trong nuôi tôm, nếu không quản lý tốt sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Nhiều thách thức cho môi trường
Những năm gần đây, diện tích và sản lượng nuôi tôm của tỉnh ngày càng phát triển, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh có diện tích đứng thứ nhì khu vực ĐBSCL. Trong đó, Bạc Liêu đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Năm 2020, chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh đã chiếm hơn 25.800ha. Hiện tỉnh có trên 30 công ty, đơn vị đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2.250ha. Ngoài ra, Bạc Liêu còn là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao, với 32 tỷ con giống/năm.
Từ những con số cụ thể trên cho thấy, các mô hình nuôi tôm đã và đang được phát triển với tốc độ khá nhanh, đồng nghĩa với việc nguồn tài nguyên nước đang đứng trước nhiều áp lực, nhất là nguồn nước phục vụ cho con tôm trong quá trình sinh trưởng trước và sau khi xả thải. Đây thật sự là những thách thức mà môi trường phải đương đầu nếu như ý thức chấp hành và bảo vệ môi trường (BVMT) không được phát huy.
Để chủ động BVMT và hạn chế các tác động tiêu cực do xả thải trong nuôi tôm gây ra, thời gian qua, Sở TN-MT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về BVMT. Đồng thời, nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án NTTS, dự án khu nuôi tôm phức hợp, dự án nuôi tôm công nghệ cao, dự án nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh…
Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở nuôi tôm công nghệ cao, đảm bảo thực hiện mục tiêu phòng ngừa, hạn chế tình trạng xả thải chưa qua xử lý hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Tập trung làm tốt công tác quan trắc môi trường nước phục vụ NTTS thông qua sự phối, kết hợp giữa Sở TN-MT với Sở NN&PTNT. Qua đó kịp thời thông báo, khuyến cáo nông dân chủ động lấy nước và xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi để hạn chế rủi ro, thiệt hại, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường…
Thực trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của một khu nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Khánh Ngọc
Không vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường
Công tác quản lý môi trường nước trong NTTS tuy được quan tâm nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, một số doanh nghiệp, nông dân chưa thực hiện nghiêm các quy định về BVMT như: Chất thải từ hoạt động NTTS xử lý chưa đạt quy chuẩn môi trường, hay xử lý chưa triệt để mà thải ra nguồn nước mặt, làm ảnh hưởng đến môi trường nước mặt và sự phát triển bền vững ngành tôm của tỉnh. Qua kiểm tra và phân tích chất lượng nước thải tại một số hộ nuôi tôm cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ như chỉ số BOD5, COD có trong nước thải đều vượt gấp nhiều lần so với quy chuẩn cho phép (đặc biệt là nước thải xi-phông từ ao nuôi). Thêm vào đó, một số hộ nuôi có diện tích đất phục vụ ao nuôi lớn nên đã dành một phần đất cho xử lý nước thải và sử dụng hầm ủ biogas để xử lý bùn thải và vỏ tôm lột. Tuy nhiên, một số hộ nuôi diện tích đất ít chỉ xử lý nước thải sơ bộ bằng cách lắng, lọc trong ao sinh học và sử dụng một số loài cá để sử dụng chất hữu cơ có trong nước thải, một số hộ nuôi tôm xả thải trực tiếp ra môi trường…
Tất cả những khó khăn và bất cập này cần được các ngành, địa phương chung tay tháo gỡ. Trong đó, cần phát huy cho được ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm theo phương châm “phát triển bền vững và không vì lợi nhuận mà đánh đổi môi trường”. Đồng thời, cần phát huy vai trò giám sát và kiểm tra của cả cộng đồng đối với những trường hợp vi phạm luật về BVMT.
Trịnh Khánh (Chi cục Bảo vệ môi trường)
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu