Xử lý ô nhiễm môi trường từ các nguồn rác thải: Vẫn thiếu các giải pháp hữu hiệu

Thứ Tư, 31/07/2024 | 16:44

Trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri, vấn đề bức xúc và nhận được nhiều kiến nghị nhất chính là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường do chất thải, rác thải từ khu công nghiệp, sản xuất, chế biến, từ nông nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, sức khỏe của người dân.

Quy định pháp luật từ Trung ương đến cấp tỉnh về lĩnh vực này đều có đủ, nhưng việc vận hành và thực hiện nghiêm các quy định, nhất là việc xử lý để răn đe, phòng ngừa vẫn chưa đến nơi đến chốn. Nên vấn đề mà người dân quan tâm chính là những giải pháp hữu hiệu để khắc phục và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng đáng báo động.

Rác thải do người dân bỏ không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.

HẠN CHẾ TRONG XỬ LÝ CÁC LOẠI RÁC THẢI

Nói về tình trạng quản lý rác thải sinh hoạt trong đô thị, ông Lê Hoàng Sao - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh, cho biết: Đến nay, việc thiếu ý thức trong bỏ rác, xả rác vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Người dân để rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác được xem là điều hết sức bình thường. Tại những điểm tập kết rác thải trong khu dân cư, họ bỏ rác tràn lan, không theo quy định. Như tại TP. Bạc Liêu, dù Trung tâm Dịch vụ đô thị có quy định thời gian bỏ rác (trước giờ thu gom rác vào buổi tối) nhưng trên thực tế, người dân mang rác thải ra trước nhà để suốt ngày, rác không có thùng che đậy, đủ loại rác thải bốc mùi gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị; hoặc lén đổ rác không phải là rác sinh hoạt ở nơi không đúng quy định, gây khó khăn cho công tác thu gom rác. Nhưng chính quyền các địa phương dường như chưa bao giờ quan tâm đến vấn đề xử lý các vi phạm này.

Đó là còn chưa nói đến chuyện rất nhiều người (nhất là các hộ có nhà dọc theo sông, kênh rạch) bỏ rác thải xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Tuy Luật Bảo vệ môi trường có chế tài xử lý, nhưng trên thực tế, chẳng có phường, xã nào lập biên bản xử phạt. Chỉ thấy các cơ quan, ban, ngành phải bỏ thời gian, công sức ra để tổ chức các đợt thu gom, dọn, vớt rác, mà những cách làm này chỉ như phần ngọn, mang tính tạm thời, không giải quyết được vấn đề ô nhiễm về lâu dài. Trong khi đó, tình trạng quá tải ở các điểm xử lý rác thải cũng là nguyên nhân gây nên vấn nạn ô nhiễm, nhất là vấn đề không có nhà máy xử lý rác.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các loại chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, chế biến phát sinh khá nhiều và các cơ sở sản xuất - kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa số đều có hợp đồng với đơn vị có chức năng đến thu gom, xử lý rác. Đối với chất thải phát sinh từ quá trình nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm siêu thâm canh, chất thải từ nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp - đây là vấn đề gây bức xúc nhiều nhất, cũng là mâu thuẫn gây đau đầu nhất giữa việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại mà không đánh đổi vấn đề bảo vệ môi trường. Người dân ở các vùng nuôi tôm công nghiệp vô cùng bức xúc trước tình trạng nhiều cơ sở, doanh nghiệp vẫn lén xả thải ra môi trường gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước.

 Công nhân vệ sinh đang dọn dẹp tại điểm tập kết rác trong nội ô TP. Bạc Liêu.

NHỮNG NỖ LỰC TỪ CHÍNH QUYỀN

Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt được UBND tỉnh rất quan tâm. Cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh đã ký Quyết định phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong đó cập nhật cụ thể lộ trình thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn cũng như lộ trình đầu tư trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải để góp phần thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành Quyết định quy hoạch 3 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, gồm: khu xử lý rác thải Châu Hưng (cụm Bạc Liêu - Hòa Bình - Vĩnh Lợi) với diện tích mở rộng 23ha; công suất 400 - 500 tấn/ngày; khu xử lý rác thải cụm Giá Rai - Đông Hải tại huyện Đông Hải với diện tích xây mới 13ha, công suất 300 - 350 tấn/ngày; khu xử lý rác thải cụm Phước Long - Hồng Dân tại huyện Hồng Dân với diện tích xây mới 20ha, công suất 350 - 400 tấn/ngày. Việc đầu tư xây dựng 3 khu xử lý chất thải này sẽ góp phần thực hiện xử lý triệt để lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh theo quy định, không còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, tháng 8/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 23 quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, trong đó quy định cụ thể về thẩm quyền quản lý cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi tôm về xử lý chất thải phát sinh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản.

Áp-phích tuyên truyền vận động người dân phân loại rác tại nguồn. Ảnh: K.P

CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Giải trình cho các vấn đề mà người dân cũng như cử tri cả tỉnh bức xúc, tại văn bản gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để trả lời cho cử tri, ông Lữ Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành có liên quan khẩn trương đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Chỉ đạo UBND huyện Đông Hải và huyện Hồng Dân khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục kêu gọi đầu tư và đưa nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung vào hoạt động theo quy hoạch.

Để ngăn ngừa tình trạng xả chất thải ra môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, phát sinh nguồn thải lớn như: các trang trại chăn nuôi; chế biến thủy sản; nuôi tôm công nghệ cao... và xử lý ngay khi phát hiện các hành vi vi phạm.

Tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền người dân thu gom, phân loại rác thải đúng quy định; tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ sau thu hoạch để tận dụng làm phân bón, thức ăn gia súc, tuyệt đối không đốt rơm rạ sau thu hoạch. Bên cạnh đó, đối với bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường đã được UBND tỉnh cấp hằng năm để rà soát, bố trí lắp đặt thêm các bể chứa và thực hiện hợp đồng đơn vị chức năng thu gom, xử lý đúng quy định; vận động nông dân trong quá trình sản xuất có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì bao gói thuốc phải được thu gom, lưu chứa đúng quy định để góp phần bảo vệ môi trường sông, kênh, rạch khu vực nông thôn.

Thực hiện Quy định phân cấp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó đã phân công cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Nếu đơn vị nào để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thuộc địa bàn, lĩnh vực phụ trách sẽ chỉ đạo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

KIM PHƯỢNG

Trong 2 năm (2022 và 2023), Sở TN-MT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với 33 tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của UBND tỉnh (5 tổ chức chăn nuôi gia súc, 8 tổ chức nuôi trồng thủy sản, 12 tổ chức chế biến thủy sản, còn lại là các loại hình sản xuất - kinh doanh khác). Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính đối với 9 tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt hơn 1,82 tỷ đồng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.