Đồng hành cùng nhà nông
Cần đẩy mạnh đầu tư các công trình thủy lợi
Sự quan trọng của nước trong phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được ông cha ta đúc kết bằng câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
Nông dân đặt ống bơm nước vào đồng ruộng băng qua trục đường chính ở xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình). Ảnh: L.H |
Là một tỉnh nông nghiệp, nhưng đến nay, hệ thống thủy nông nội đồng ở vùng chuyển đổi sản xuất chỉ đạt khoảng 75 - 80%, còn hệ thống thủy lợi cho sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A chỉ đạt 75%. Đặc biệt, hệ thống kênh cấp 3 và kênh nội đồng với hơn 970 kênh bị bồi lắng, gây khó khăn cho việc cấp, thoát nước. Điều đó cho thấy, ở vùng chuyên tôm phía Nam và vùng chuyên lúa phía Bắc Quốc lộ 1A, nhiều nơi người dân phải thay nhau canh nước, thậm chí đặt ống bơm chuyền nước qua các kênh bị bồi lắng, các trục đường chính để đưa được nước vào đồng ruộng.
Nói như thế để thấy rằng, nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng các công trình thủy lợi - thủy nông nội đồng là rất lớn và rất bức thiết. Song, việc đầu tư phục vụ sản xuất trong thời gian qua vẫn chưa nhiều. Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi: từ năm 2009 - 2013, Bạc Liêu đã xây dựng hơn 966 công trình thủy nông nội đồng, nhưng vốn đầu tư cho các công trình này chỉ hơn 29.580 tỷ đồng và chủ yếu là nạo vét. Sự hạn chế về đầu tư cho hệ thống kênh cấp 3 và kênh nội đồng đã dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ.
Bên cạnh thiếu vốn đầu tư cho hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng, còn có một phần trách nhiệm của nông dân. Theo phân cấp quản lý, kênh cấp 3 và kênh nội đồng do nhân dân tự đầu tư xây dựng, nhưng phần lớn nông dân lại cho đó là trách nhiệm của Nhà nước. Bên cạnh đó, phong trào ra quân làm thủy lợi - thủy nông nội đồng ở nhiều địa phương không được tổ chức thường xuyên. Từ đó, nhiều kênh nội đồng bị bồi lắng vì không được nạo vét hàng năm. Điều đó đã dẫn đến một hệ quả là hệ thống kênh cấp 3 và kênh nội đồng không theo kịp sự phát triển của kênh cấp 1, kênh cấp 2 và kênh cấp 3 vượt cấp, gây nên tình trạng thiếu nước cục bộ ở nhiều địa phương.
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp: từ nay đến năm 2020, thế mạnh của Bạc Liêu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc tăng cường đầu tư và phát huy vai trò của người nông dân trong phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cần được đẩy mạnh. Đây là giải pháp hàng đầu cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hiện nay.
HAI LÚA
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau