Đồng hành cùng nhà nông
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Cần phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế hợp tác
Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, không chủ động về đầu ra luôn là nỗi trăn trở của nông dân. Vì vậy, liên kết sản xuất được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo cho nông dân sản xuất có lãi và hướng đến sản xuất hàng hóa lớn mang lại giá trị gia tăng cao.
Nông dân xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình) tập kết lúa và chờ thương lái thu mua.
Thông qua liên kết sản xuất, nhiều loại rau màu được bày bán trong Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: K.T
Liên kết còn ít
Những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã vận động, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân liên kết sản xuất với nhau, bước đầu đã hình thành nên những mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, giảm được nỗi lo hàng hóa làm ra không tiêu thụ được.
Đơn cử như việc liên kết giữa Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) Âu Vững 1 với Tổ hợp tác (THT) Thành Công (xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai). Công ty Cổ phần CBTSXK Âu Vững 1 hỗ trợ 20% giá tôm giống, 100% vi sinh (EM), tư vấn kỹ thuật cho THT Thành Công và thực hiện bao tiêu tôm thương phẩm với giá cao hơn các hộ bên ngoài THT từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Qua đó giúp THT Thành Công ổn định sản xuất, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn ASC. Hay Công ty TNHH MTV CBTSXK Thiên Phú liên kết với THT Tiền Phong (xã Định Thành, huyện Đông Hải) nuôi tôm sú quảng canh cải tiến theo tiêu chuẩn Global Gap/ASC. Doanh nghiệp này hỗ trợ THT Tiền Phong 100% tôm giống, 100% vi sinh (EM), tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, bao tiêu tôm thương phẩm với giá cao hơn các hộ bên ngoài THT Tiền Phong từ 10.000 - 15.000 đồng/kg...
Cùng với con tôm, thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhiều địa phương vận động nông dân liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 5.250ha lúa.
Tuy nhiên, mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm trên địa bàn tỉnh phát triển khá chậm, hiệu quả mang lại chưa cao, thậm chí có những mô hình liên kết sản xuất bị “chết yểu” ngay từ khi mới hình thành (như việc liên kết sản xuất giữa người trồng màu TP. Bạc Liêu và siêu thị trong việc đưa hoa màu bán ở siêu thị)…
Xuất phát từ việc liên kết chưa nhiều và chưa tạo nên phong trào sâu rộng, nên liên kết sản xuất lâu nay chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như Bạc Liêu có hơn 2.310ha sản xuất muối với sản lượng 165.145 tấn. Thế nhưng, diện tích và sản lượng muối năm 2016 được bao tiêu giữa Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu (liên kết sản xuất) với Hợp tác xã (HTX) Doanh Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) chỉ 5ha, sản lượng bao tiêu chỉ 400 tấn muối.
Ngay cả cây lúa là thế mạnh mũi nhọn của tỉnh, nhưng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo năm 2016, toàn tỉnh chỉ thực hiện 8.673ha liên kết sản xuất (chiếm 4,89% diện tích gieo trồng lúa) và sản lượng bao tiêu là 47.620 tấn lúa (chiếm 4,6% tổng sản lượng lúa). Qua đó cho thấy, các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm hiện nay còn khá khiêm tốn, chưa tạo được sức bật để giải quyết có hiệu quả bài toán đầu ra.
Cần nâng chất các THT-HTX
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chưa thể nhân rộng và phát huy. Đó là do chưa làm tốt công tác tổ chức sản xuất, hạ tầng giao thông, kinh tế còn thiếu nên chưa thu hút doanh nghiệp tham gia, thiếu và chưa có những mô hình sản xuất đột phá... Song, nguyên nhân chính vẫn là chưa xây dựng các THT-HTX đúng chuẩn. Nói cách khác là chưa phát huy được vai trò, tầm quan trọng của các THT-HTX. Nhiều THT-HTX thành lập còn mang tính hình thức, trông chờ các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng... chứ chưa thấy được tầm quan trọng của kinh tế hợp tác để cùng phát triển.
Ông Trương Thanh Mai, chủ trang trại nuôi cá sấu Phương Tín (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) khẳng định: “Nếu như huyện Phước Long thành lập được các THT-HTX hay Hiệp hội ngành nghề nuôi cá sấu thì mọi người sẽ tạo được tiếng nói chung trong việc định giá cho con cá sấu. Đằng này, khi có thông tin giá cá sấu giảm thì mạnh ai nấy bán, tạo điều kiện thuận lợi cho bọn gian thương ép giá”.
Không chỉ cá sấu, mà nhiều mặt hàng nông, thủy sản khác cũng gặp phải nạn tranh mua, giành bán. Từ đó làm cho sản xuất không phát huy hiệu quả kinh tế, sản xuất thì chạy theo phong trào thay vì sản xuất theo nhu cầu, đơn đặt hàng và nông dân cầm chắc lợi nhuận.
Để phát triển các mô hình liên kết hợp tác và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, cần nâng cao chất lượng hoạt động và cả bộ máy tổ chức của các THT-HTX. Toàn tỉnh hiện có 53 HTX và hơn 610 THX thu hút hơn 20.000 lao động nông thôn tham gia; 510 trang trại sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động nông thôn... Những THT-HTX và trang trại trên nếu được phát huy tốt sẽ góp phần khai thác, sử dụng các hiệu quả nguồn tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, giúp hàng chục ngàn lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định.
Lư Trung
Năm 2017, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 56/KL-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX năm 2012; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT....
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển trên nguyên tắc khuyến khích các hộ có khả năng về vốn, lao động và kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức trang trại. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ khó khăn sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động...
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hòa Bình và Vĩnh Lợi
- 11 đội tham gia Liên hoan nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bạc Liêu năm 2024
- Họp thành viên UBND tỉnh: Đóng góp ý kiến vào 26 dự thảo văn bản
- Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh
- Bạc Liêu đoạt 9 huy chương tại Giải đua thuyền Canoeing vô địch các đội mạnh quốc gia