Đồng hành cùng nhà nông
Lợi ích từ việc cuốn rơm sau thu hoạch
Để dần xóa bỏ tập quán đốt đồng gây nguy hiểm và ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông nghiệp, thời gian qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng cuốn rơm bằng máy sau khi thu hoạch.
Máy cuốn rơm hoạt động trên một cánh đồng ở ấp Nhà Dài A (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: C.L
Với chiếc máy gặt đập liên hợp, nông dân đã giải quyết được nhiều khâu, tiết kiệm được công sức và thời gian trong thu hoạch lúa. Song, việc giải quyết rơm trên đồng lại là vấn đề được đặt ra lúc này. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, tránh những hình thức xử lý rơm gây ảnh hưởng môi trường và nguy hiểm, hình thức cuốn rơm bằng máy đã được áp dụng ở nhiều nơi. Máy cuốn rơm có thể hoạt động tốt trên cả nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Rơm sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động thành các cuộn to. Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình chỉ trong thời gian từ 35 - 45 giây. Công suất thu gom rơm đạt từ 50 - 70 cuộn/giờ (tùy thuộc vào trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy). Được biết, mỗi héc-ta thu được khoảng 15 cuộn rơm. Theo chủ máy cuốn rơm cho biết, có 2 hình thức tính công là: tính theo diện tích đối với những chủ đất có diện tích thu gom lớn; hoặc tính theo cuộn đối với những chủ có diện tích nhỏ, tiền công cuốn rơm tầm từ 5.000 - 6.000 đồng/cuộn.
Rơm sau thu gom thành những cuộn lớn sẽ được các chủ ruộng trữ lại để sử dụng hoặc bán cho các hộ khác làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân bón, che phủ cho cây trồng, làm đệm lót bảo quản một số mặt hàng nông sản, sản phẩm dễ vỡ, dễ bị hư hỏng do vận chuyển… Hiện nay, trung bình một cuộn rơm có trọng lượng từ 12 - 15kg sẽ được bán với giá từ 20.000 đồng trở lên. Vào những lúc hút hàng, giá mỗi cuộn rơm có khi lên 50.000 đồng.
Ông Nguyễn Hòa - ấp Nhà Dài A, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Thay vì đốt bỏ như trước thì nay nhờ có việc cuốn rơm mà người nông dân đã đỡ phần xử lý, cải tạo sau thu hoạch. Bên cạnh đó, rơm còn được dự trữ dùng làm phân bón, thức ăn cho gia súc… hoặc bán lại, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân”.
Có thể thấy, nông dân đã hưởng được lợi kép từ việc cuộn rơm bằng máy. Đặc biệt, việc đưa máy cuộn rơm vào sản xuất cũng là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.
Chí Linh
- Phát hiện, thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
- Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”
- LĐLĐ tỉnh: Hỗ trợ hơn 3.300 đoàn viên khó khăn trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Hội LHPN tỉnh: Trao vốn cho hội viên và thăm mô hình kinh tế tại huyện Đông Hải
- Huyện Đông Hải: Thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024