Đồng hành cùng nhà nông
Lúa hè thu sớm bị chết: Nông dân không làm theo khuyến cáo lịch thời vụ
Mặc dù ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không được xuống giống lúa hè thu sớm do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Tuy nhiên, nhiều nơi bà con vẫn cải tạo đất và gieo sạ lúa. Hậu quả là nước ngọt không đủ tưới cho cây lúa, nông dân ngậm ngùi nhìn lúa chết dần trên những cánh đồng khô nứt nẻ.
* Cánh đồng lúa hè thu sớm ở xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) đang chết dần trong cơn nắng hạn.
* Một kênh nội đồng ở xã Ninh Quới A cạn khô nước.
Ảnh: P.Đ
Lúa chết trắng đồng
Ở ấp Ninh Hòa (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) vào những ngày này, nhiều trà lúa hơn 20 ngày tuổi phơi mình trên những mảnh ruộng nứt nẻ. Nguyên nhân là nhiều hộ nông dân xuống giống lúa hè thu sớm bất chấp khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Hàng trăm héc-ta lúa đang chết mòn vì thiếu nước ngọt đúng như dự báo của ngành chức năng.
Anh Trần Ngọc Thi (ấp Ninh Hòa) than thở: “Hàng năm, nông dân ở đây làm 3 vụ lúa và năm nay tôi cũng theo tập quán đó. Tuy nhiên, không biết vì sao mà năm nay trời lại không mưa, thế là lúa chết!”.
Điều đáng nói là chính quyền địa phương đã cảnh báo người dân không nên xuống giống lúa hè thu sớm vì do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng hạn sẽ kéo dài. Và những người dân làm theo khuyến cáo đã tránh được rủi ro không đáng có này. Đơn cử như ông Nguyễn Văn Thắng (ấp Ninh Hòa), mặc dù các hộ xung quanh gieo sạ lúa hè thu sớm nhưng ông Thắng vẫn quyết định để đất trống. Ông Thắng nói: “Tôi may mắn thoát khỏi thiệt hại lần này vì làm theo khuyến cáo, hướng dẫn của chính quyền địa phương. Những người sạ sớm đã tốn chi phí hơn 500.000 đồng/công nhưng không biết là lúa có sống hay không. Nước trong các kênh giờ đã rút xuống đến mức rất thấp mà chưa có dấu hiệu mưa về. Theo kinh nghiệm của tôi, khi bà con bơm nước vào ruộng, nếu lúa không chết vì nước mặn thì cũng chết vì xì phèn”.
Cần tuân thủ lịch thời vụ
Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, nếu nông dân tuân thủ lịch thời vụ thì sẽ giảm thiệt hại, rủi ro trong sản xuất. Điển hình như cách xã Ninh Quới A không xa (khoảng chục cây số và dùng chung nguồn nước) là huyện Phước Long, nhưng sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nông dân ở đây không xuống giống lúa hè thu.
Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho rằng: “Phòng NN&PTNT huyện đã thông báo rộng rãi cho nông dân địa phương không xuống giống lúa hè thu sớm mà chờ lịch thời vụ. Diễn biến thời tiết nắng hạn năm nay cho thấy, dù có đủ nước bơm vào ruộng thì nguy cơ lúa chết vì xì phèn và nắng nóng cũng rất cao. Từ đó, tập quán sản xuất sạ khô để đón những đợt mưa đầu mùa đã thật sự không có hiệu quả”.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, việc nông dân mạo hiểm bơm nước có độ mặn cao hoặc nước phèn vào ruộng sẽ làm lúa chết nhanh hơn; đất sẽ bị nhiễm mặn, ảnh hưởng cho việc sản xuất ở các vụ tiếp theo. Về lâu dài, nếu muốn đất sản xuất có hiệu quả thì phải rửa mặn, xổ phèn...
Mặc dù ngành Nông nghiệp và chính quyền đã triển khai giải pháp điều tiết nước từ hệ thống cống, đồng thời người dân cũng tự làm những con đập tạm trên sông để trữ nước ngọt và ngăn nước mặn tràn vào, song hy vọng cứu được lúa là rất mong manh. Nhiều hộ đã chấp nhận bỏ trắng công sức lao động.
Giờ đây, chuyện sống còn của hàng trăm héc-ta lúa hè thu sớm của bà con chỉ còn biết trông chờ vào những trận mưa đầu mùa. Vậy mà, trời vẫn còn nắng gay gắt...
PhẠm Đoàn
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau