Đồng hành cùng nhà nông
Nâng cao hiệu quả nuôi tôm nước lợ ở Bạc Liêu
Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ hai khu vực ĐBSCL về diện tích và sản lượng nuôi tôm nước lợ với 124.471ha, tổng sản lượng 95.700 tấn (chiếm gần 1/4 sản lượng tôm chất lượng cao của cả nước). Nuôi tôm là thế mạnh kinh tế của Bạc Liêu, vì vậy tỉnh đã quy hoạch lại vùng nuôi tôm nước lợ giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
* Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám (bìa phải) trò chuyện với nông dân TX. Giá Rai.
* Thu hoạch tôm nuôi ở huyện Đông Hải.
Ảnh: M.Đ
Theo Tổng cục Thủy sản, do xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng tại ĐBSCL và điều kiện môi trường, thời tiết xấu tác động đã làm cho diện tích nuôi tôm theo phương thức thâm canh - bán thâm canh ở nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng. Một số tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang do nắng nóng, mực nước trong vuông tôm giảm thấp, độ mặn tăng cao, có nơi lên đến 30 - 50‰, làm cho tôm nuôi giảm sức đề kháng, dễ bị sốc và chết. Thống kê sơ bộ tại 8 tỉnh ĐBSCL, đến nay đã có trên 81.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, chủ yếu ở vùng nuôi quảng canh, tôm - lúa; trong đó, bị thiệt hại nặng nhất là Cà Mau, Bạc Liêu. Riêng Bạc Liêu đã có 12.600ha tôm nuôi bị thiệt hại. Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm 2016, diện tích tôm nuôi thiệt hại ở tỉnh cao hơn so với cùng kỳ năm trước”.
Tại hội nghị giao ban nuôi tôm nước lợ trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn (do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Bạc Liêu), các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đề nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp hỗ trợ người nuôi tôm khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi tôm cải tạo ao vuông, chuẩn bị tôm giống để thả nuôi; quản lý tốt chất lượng con giống và vật tư đầu vào…
Để bảo đảm nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả, ngành chức năng đã đề ra một số giải pháp như: Mở rộng nuôi tôm theo chiều sâu, cải tiến kỹ thuật nuôi tôm theo hướng bền vững, áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường khâu hỗ trợ vốn để đầu tư thủy lợi linh hoạt, chủ động được nguồn nước mặn - ngọt. Cùng với đó là áp dụng mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP; tăng cường quản lý sử dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh cho các vùng nuôi tôm. Tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm và quản lý dịch bệnh cho nông dân. Hướng dẫn người nuôi tôm không xả nước thải ao vuông ra môi trường xung quanh, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, cần khuyến khích nông dân áp dụng các mô hình nuôi tôm bền vững như: mô hình nuôi tôm - lúa, tôm - lúa - cá, hướng đến phương thức nuôi tôm sinh thái thân thiện với môi trường. Qua đó đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo nguồn cung cho chế biến xuất khẩu.
Để nuôi tôm nước lợ bền vững, theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, trước mắt, các ngành trực thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp và hỗ trợ các địa phương tổ chức quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung ở ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu. Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát nuôi tôm nước lợ theo quy hoạch. Tích cực phòng chống dịch bệnh, quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, chất lượng thức ăn, sản phẩm cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm đồng bộ gắn với xây dựng tổ chức, quản lý; tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng nuôi tập trung, liên kết chuỗi giá trị.
MINH ĐẠT
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau