Đồng hành cùng nhà nông
Nhà nông cần, chúng tôi có!
Vui thật là vui khi thấy nhà nông trúng mùa, trúng giá, tủm tỉm miệng cười. Và thật là buồn khi thấy sản phẩm nhà nông làm ra không chỉ rớt giá, bán không người mua, vụ mùa còn bị thiên tai, địch họa. Đó là tâm trạng của những nhà báo viết về nông nghiệp.
MỘT MẪU RUỘNG, MỘT ĐỜI NGƯỜI
Tác giả của bài viết này cũng xuất thân từ nông dân, nhiều đời đã sống nghề trồng lúa. Cho nên, chúng tôi thấu hiểu nhà nông có thể nhiều hơn những người làm nghề ở những lĩnh vực khác. Có nhiều lắm những nhà nông gia đình chỉ có 1 - 2 mẫu ruộng. Cuộc sống của họ cứ thế mà làm, quanh năm cuốc bẫm, cày sâu. Họ gắn bó và gần gũi với ruộng đồng. Mẫu ruộng chính là tài sản ngàn đời, tài sản quý giá nhất của gia đình và nơi duy nhất tạo ra của cải nuôi dưỡng cuộc sống cả chục miệng ăn, chưa kể đầu tư cho chuyện học hành của con cái... Nhưng nếu chẳng may, “ông trời” trút những cơn mưa dồn dập, bão tố, triều cường… cướp đi “nồi cơm” của mình thì họ chỉ biết đứng nhìn rồi khóc…
Các nhà báo tác nghiệp tại Hội thảo định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Ảnh: T.Đ |
Vậy mà họ vẫn một lòng thủy chung với chính mảnh ruộng, thửa đất thân quen của mình. Từ đó mới thấy, khả năng chịu đựng, sự bươn chải và niềm tin vào cuộc sống của người nông dân thật đáng trân trọng. Họ và chúng tôi đều có chung một mong ước: giá như có sự gần gũi, sẻ chia nhiều từ phía doanh nghiệp; giá như giá lúa ổn định ở mức nông dân có thể kiếm lời 30%; giá như có sự phân chia lợi nhuận hợp lý giữa người trồng lúa với các tầng nấc trung gian và doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo trong chuỗi sản xuất lúa gạo… thì cuộc sống của nhà nông chắc chắn không khó khăn như bây giờ.
NGÒI BÚT LÀM VƠI NỖI KHỔ
Cũng bởi dấn thân quá nhiều với người nông dân cho nên chúng tôi là người am hiểu, sẻ chia, bênh vực nông dân nhiều nhất. Chưa có lúc nào “cuộc chiến” của những phóng viên nông nghiệp với sự rớt giá thảm hại lúa gạo lại mãnh liệt như bây giờ. Khi nào cuộc sống nông dân vẫn còn quá nhiều thiệt thòi, khó khăn, chúng tôi vẫn còn thổn thức. Có người nói vui, nếu như lao động ở ngành nghề khác lãnh lương hàng tháng, thì người nông dân 3 - 4 tháng mới được “lãnh lương” một lần (cuối vụ lúa). Và nếu lúa bị “sự cố” thì xem như họ không có “lương”.
Nông dân Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung là những người có công làm ra lúa gạo nuôi sống cả thế giới. Về mặt lý thuyết, lẽ ra họ là những người giàu có, nhưng trên thực tế lại là những người có cuộc sống khó khăn nhất.
Còn nhớ, khi Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự: “Cường quốc lúa gạo không có thương hiệu trên trường quốc tế”, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phát biểu nghe thật chạnh lòng: “Lúa gạo Việt Nam là thứ sản phẩm sản xuất hao tốn nhiều đất đai nhất nhưng có giá trị thấp nhất. Nên chăng, chúng ta cảnh cáo với thế giới rằng, tạm ngưng xuất khẩu lúa gạo giống như Thái Lan để cải thiện giá gạo xuất khẩu. Và đã đến lúc, chúng ta cần phải chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng ngay trên đất lúa để tạo ra đa dạng sản phẩm xuất khẩu và khỏi lệ thuộc quá nhiều vào thị trường lúa gạo”.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN & PTNT - Cao Đức Phát tại kỳ họp Quốc hội cách đây vài ngày, một đại biểu (đơn vị TP. HCM) trăn trở cùng nông dân đã bức xúc: “Tại sao ở các ngành khác, khi sản phẩm gặp khó khăn, ứ đọng thị trường, các Bộ trưởng đưa ra giải pháp tháo gỡ rất nhanh và rất hiệu quả, nhưng ngành Nông nghiệp thì không làm được? Thị trường bấp bênh, lúa gạo rớt giá thê thảm và kéo dài, Bộ trưởng có cách nào giúp nông dân? Phải chăng trong thời gian qua, lời nói của Bộ trưởng quá yếu so với các ngành?”. Trong phần trả lời rất đỗi vòng vo, chúng tôi nhận thấy, vị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nợ nông dân câu trả lời: Làm sao giải quyết tốt hơn đầu ra lúa gạo để nông dân đỡ khó khăn?
Cũng như đại biểu Quốc hội, vì quyền lợi của cử tri, vì cuộc sống của độc giả - những nông dân tay lấm chân bùn, và sự phát triển của quê hương, “phóng viên nông nghiệp” chúng tôi cũng sẽ ngày càng gần hơn với họ để được lắng nghe, chia sẻ và đồng hành.
TẤN ĐẠT
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau