Đồng hành cùng nhà nông
Những lưu ý khi trồng rau màu trong mùa mưa
Trồng rau màu trong mùa mưa thường bất lợi hơn so với mùa nắng do năng suất, chất lượng giảm mạnh vì ảnh hưởng của những trận mưa. Để ổn định sản xuất và sản xuất có lãi, bà con cần lưu ý một số yếu tố sau:
Để vụ rau màu trồng trong mùa đạt sản lượng và chất lượng như mong muốn thì khâu chọn giống rất quan trọng. Theo kinh nghiệm của những hộ trồng màu lâu năm, mùa này nên chọn các giống rau màu tốt, có nguồn gốc rõ ràng từ những cơ sở cung cấp giống có uy tín. Trong mùa mưa, do mưa nhiều, thiếu ánh sáng, khả năng quang hợp kém hơn mùa nắng, do đó bà con nên chọn trồng các loại rau lá có thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch. Nên áp dụng kỹ thuật ươm cây giống trong khay hoặc túi bầu, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, cây rau sẽ mau bén rễ.
Nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) thu hoạch rau màu. Ảnh: C.L
Bên cạnh đó, để rau màu cho năng suất cao thì khâu làm đất cũng rất quan trọng. Nơi trồng phải thoát nước tốt, không bị ngập úng. Đối với rẫy thấp, trước hết phải làm đất, lên luống, lên liếp cao ráo, chiều ngang mặt liếp trồng rau rộng hơn, có mương rãnh thoát nước tốt, nhất là nền đất không được xới cho tơi xốp như mùa nắng để tránh đất hút nhiều nước gây ngập úng. Trong quá trình làm đất, cần kết hợp bón lót phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học, bón vôi và tăng lượng phân lân cho đất nhằm khử chua, tăng độ phì và giữ ẩm cho đất. Để giữ ẩm, chống xói mòn, rửa trôi trong mùa mưa cũng như tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu, hạn chế cỏ dại…, bà con nên sử dụng màng phủ nông nghiệp, hoặc có thể dùng rơm rạ để phủ lên luống. Ông Lê Minh Có (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Mùa mưa tuy trồng và chăm sóc rau màu cực hơn mùa nắng nhưng bù lại, nếu trồng thành công thì lợi nhuận sẽ cao hơn. Bởi vậy, để đảm bảo sản xuất rau màu trong mùa này, tôi đã chủ động bồi san lại mặt luống cho thông thoáng, cao ráo. Đồng thời, dự trữ sẵn rơm mục để phủ lên mặt luống sau khi xuống giống nhằm tránh tình trạng hạt bị mưa cuốn trôi”. Cũng theo ông Có, người trồng rau màu cần làm cỏ thường xuyên để hạn chế đến mức tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ với cây trồng, đồng thời loại bỏ được nơi trú ngụ, ẩn nấp và nguồn lây lan của nấm bệnh, côn trùng gây hại cho rau màu. Riêng đối với một số loại màu như dưa leo, khổ qua…, bà con cần làm giàn chắc chắn nhằm giúp cây phát triển, quang hợp tốt hơn, thu hoạch được dài ngày, chống gãy đổ và hạn chế được sự gây hại của sâu bệnh. Tùy theo từng loại cây trồng và điều kiện kinh tế mà làm giàn cao, thấp hoặc bằng các loại vật liệu khác nhau như tre, gỗ, lưới nylon… cho phù hợp.
C.L (tổng hợp)
- Tổng kết mô hình thí điểm nhân rộng giống lúa BL9 tên đất tôm - lúa
- TP. BẠC LIÊU: ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGHỀ NUÔI TRỒNG VÀ KHAI THÁC THỦY SẢN
- Kinh tế - xã hội huyện Phước Long năm 2024: Khởi sắc trên từng lĩnh vực
- Đoàn cơ sở ít đoàn viên tìm cách hoạt động hiệu quả
- Tuổi trẻ TP. Bạc Liêu: Góp sức chỉnh trang đô thị trước thềm Xuân mới Ất Tỵ 2025