Đồng hành cùng nhà nông

Nông dân “cầm đèn chạy trước”...

Thứ Sáu, 26/04/2013 | 19:59

Sơ kết sản xuất nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay cho thấy, nông dân đang phải gánh chịu nhiều áp lực bởi hàng loạt chi phí phát sinh trong sản xuất. Ngoài giá vật tư, thuốc thú y thủy sản không ngừng tăng cao, nông dân còn phải đối mặt với thực trạng tôm chết hàng loạt, nhất là khu vực các xã thuộc địa bàn huyện Giá Rai.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong nuôi trồng thủy sản 4 tháng qua vẫn là tình trạng không kiểm soát được chất lượng tôm giống bán trôi nổi trên thị trường. Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất giống chưa tự giác chấp hành khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán, nên việc kiểm tra chất lượng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kéo dài, mưa đột ngột cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng của tôm nuôi. Ngoài ra, một số tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng quá nhanh nên chất lượng nước không đảm bảo; người nuôi còn chủ quan, cải tạo ao đầm không tốt... Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nạn tôm chết với các bệnh như: đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy...

Việc nuôi tôm thẻ chân trắng ngay trong vùng cấm và cả vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A (vốn được coi là vùng sản xuất lúa - tôm với mô hình bền vững nhất hiện nay) cũng thật sự trở thành nỗi lo của nhiều người. Nhất là nguy cơ sự lây lan dịch bệnh từ tôm thẻ sang tôm sú, đặc biệt là bệnh Taura.

Một thực tế đáng buồn là ngành Nông nghiệp, địa phương thay vì đi trước hay định hướng cho nông dân, thì đằng này chỉ đi sau và lo khắc phục hậu quả. Như việc nuôi tôm thẻ chân trắng chẳng hạn. Người dân nhiều nơi gần thu hoạch tôm thẻ thì ngành Nông nghiệp mới hay và ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương phải làm tốt công tác quản lý, không cho tôm thẻ thoát ra ngoài. Phải chăng, việc lúng túng trong quản lý sản xuất là một trong nhiều nguyên nhân để ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh cứ phải lo phòng chống dịch bệnh? Và điều đó cũng dễ hiểu, bởi đã không làm tốt công tác quản lý đầu vào thì làm sao quản lý tốt đầu ra?!

Phản ánh thực trạng này để thấy rằng: quản lý quy hoạch sản xuất và nắm bắt kịp thời những phát sinh từ sản xuất phải được xem là việc làm thường xuyên. Đây cũng là giải pháp cơ bản để ứng phó kịp thời khi phát sinh khó khăn và không để xảy ra tình trạng nông dân cứ “cầm đèn chạy trước”... ngành quản lý!

HAI LÚA

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.