Đồng hành cùng nhà nông
Nông dân cần chủ động bảo vệ lúa hè thu sớm
Những ngày này, nông dân trong tỉnh tập trung thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân. Trong khi đó, ở một số địa phương, nông dân đã bắt đầu gieo sạ lúa hè thu sớm. Mùa khô chưa kết thúc nên việc sản xuất lúa gặp không ít khó khăn.
Bà Danh Thị Sương (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) bên cánh đồng lúa hè thu sớm vừa được sạ. Ảnh: P.Đ
Đến thời điểm này đã có hơn 175ha lúa hè thu sớm được gieo sạ. Các loại giống bà con chọn cho vụ lúa năm nay vẫn là những loại giống cho năng suất cao như: OM 5451, OM 4900, OM 6976… Ngoài ra còn có các giống bổ sung như: Lộc Trời 1; RVT; OM 2517...
Theo lịch thời vụ, lúa hè thu sớm xuống giống từ ngày 15 - 25/4/2017, song nhiều nông dân xuống giống trước 5 ngày. Việc xuống giống trước lịch thời vụ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến phòng trừ sâu bệnh sau này. Một số nông dân ở các khu vực làm lúa hè thu sớm cho biết, từ đầu vụ bà con đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khâu cải tạo và chăm sóc lúa. Một trong những nguyên nhân là khi xuống giống gặp phải nắng nóng kéo dài, cộng thêm lượng phèn trong đất làm cho lúa chậm phát triển. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng do giá vật tư nông nghiệp những ngày qua đã tăng lên. Ông Trịnh Sel (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) cho rằng: “Thông thường hàng năm thì từ đầu vụ giá vật tư nông nghiệp bắt đầu rục rịch tăng. Năm nay cũng không ngoại lệ”.
Sản xuất vụ lúa hè thu sớm, nông dân còn phải đối mặt với nguy cơ khô hạn. Những ngày qua, mặc dù lượng nước ngọt trên các sông còn nhiều nhưng bà con cũng hạn chế bơm vào ruộng. Bà Danh Thị Sương (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) cho biết: “Tôi vừa xuống giống 2,5 công lúa hè thu sớm. Bà con ở đây đang đợi mưa. Tuy nước ngọt trên các sông vẫn còn nhiều, nhưng tôi vẫn sợ xâm nhập mặn như những năm trước”.
Mùa khô hạn năm trước, nông dân xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) đã mất trắng một vụ lúa vì khô hạn và xâm nhập mặn. Nếu năm nay nắng nóng, khô hạn kéo dài và xâm nhập mặn diễn ra thì nguy cơ vụ lúa thất bát sẽ tái diễn. Hiện nay, ở tỉnh lân cận như Sóc Trăng (sử dụng chung nguồn nước với Bạc Liêu), nông dân vẫn chưa xuống giống lúa hè thu sớm.
Theo bà Hồng Kim Thư, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: “Theo dự báo của ngành Nông nghiệp tỉnh, mưa sẽ xuất hiện nhiều vào 10 ngày đầu của tháng 5/2017. Cùng với lượng mưa này và với lượng nước ngọt trên các sông ở khu vực sản xuất lúa hè thu sớm vẫn còn nên nguy cơ xảy ra khô hạn rất thấp. Các địa phương sản xuất lúa hè thu sớm cần thường xuyên kiểm tra hệ thống cống ngăn mặn - giữ ngọt để tránh tình trạng nước mặn rò rỉ. Chủ động nước tưới tiêu để tránh tình trạng lúa thiếu nước vì giai đoạn này nắng nóng làm nước trong ruộng bốc hơi rất nhanh. Sử dụng các loại phân bón làm hạ độ phèn trong đất”.
Phạm Đoàn
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh