Đồng hành cùng nhà nông
Phải trả “nợ” cho người nuôi tôm!
Đầu mùa mưa, khi diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tăng lên, cũng là lúc các điểm kinh doanh con giống và thuốc thú y thủy sản ăn nên làm ra. Bởi, tôm chết thì phải mua con giống thả tiếp, phải sử dụng hóa chất cải tạo lại ao nuôi, phải mua thuốc trị bệnh cho tôm… Những khoản chi phí ấy đã làm nông dân oằn lưng…
Thanh tra Bộ NN&PTNT kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn tôm trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: T.A |
Trong tuần qua, trong tổng số hơn 580 mẫu tôm xét nghiệm thì có đến 270 mẫu nhiễm MBV. Đó là số mẫu tôm giống mà nhiều trại giống cho rằng “sạch bệnh”, nhưng nông dân không tin nên đem đi xét nghiệm lại (?). Vậy, còn những nông dân không đem con giống đi xét nghiệm mà thả nuôi luôn, rồi 1 - 2 tháng sau tôm phát bệnh chết sạch, người nuôi thiệt hại hàng chục triệu đồng cho tiền cải tạo ao, tiền thức ăn và thuốc thú y thì đòi ai bồi thường?
Khỏi cần trả lời cũng biết, lỗi ấy người ta lại đổ hết cho thời tiết diễn biến phức tạp hoặc do nắng gắt, mưa nhiều! Sự đổ thừa và thiếu trách nhiệm này gần như trở thành khuôn mẫu trong các văn bản báo cáo của ngành Nông nghiệp, thay vì có biện pháp xử lý các cơ sở kinh doanh con giống kém chất lượng. Ngành quản lý đã hứa nhiều lần với các cơ quan thông tin đại chúng là sẽ công bố danh sách các doanh nghiệp kinh doanh con giống, thuốc thú y kém chất lượng, nhưng đến nay, các cơ quan báo chí của tỉnh vẫn chưa nhận được danh sách doanh nghiệp vi phạm?...
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng thừa nhận là công tác quản lý thuốc thú y thủy sản, cơ quan quản lý còn yếu kém, chưa kiểm soát được từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Mặc dù các sản phẩm nằm trong danh mục cho phép nhưng vấn đề kiểm nghiệm, kiểm định thì địa phương không nắm được...
Thử hỏi, đã cho phép các mặt hàng này kinh doanh trên thị trường, nhưng chính ngành quản lý lại không quản lý được chất lượng và không quản lý nổi đầu vào lẫn đầu ra thì làm sao… quản lý? Có lẽ vì vậy mà người nuôi tôm luôn chịu khổ, còn các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y thủy sản thì thay nhau làm giàu.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, không có cuộc hội thảo hay chất vấn nào trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà người nông dân lại không nhắc đến công tác quản lý chất lượng tôm giống và thuốc thú y thủy sản. Thế nhưng, những bức xúc này đến nay vẫn còn là lời hứa của ngành chức năng. Và đây cũng là món “nợ” đối với người nuôi tôm? Nông dân luôn mong được trả “nợ”, chứ hứa hoài mà không thấy làm thì người nuôi tôm khổ lắm!
HAI LÚA
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau