Đồng hành cùng nhà nông
Sản xuất vụ hè thu: Không nên nóng vội
Những trận mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái oi bức của nắng hạn do biến đổi khí hậu. Nhiều nơi, nông dân bắt đầu cải tạo đất chuẩn bị xuống giống lúa hè thu. Tuy nhiên, để cải tạo diện tích đất nhiễm mặn không phải là chuyện dễ dàng.
Nông dân xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân) cải tạo đất chuẩn bị sản xuất vụ hè thu. Ảnh: P.Đ
Đừng vội lấy nước vào ruộng
Sau một thời gian dài nằm phơi mình dưới nắng hạn, giờ đây, những cánh đồng ở vùng Bắc Quốc lộ 1A như được hồi sinh nhờ những cơn mưa. Cơn khát nước ngọt đã được giải tỏa và nông dân chuẩn bị cho mùa vụ mới. Nhiều nơi, bà con bắt đầu bơm nước từ các kênh nội đồng vào ruộng để chuẩn bị khâu làm đất.
Ở thị trấn Hòa Bình, xã Minh Diệu, xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình), không ít nông dân đã lấy nước vào ruộng để tiến hành xới đất. Ông Nguyễn Văn Triều (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình) nói: “Năm nay, do mưa đến trễ nên phải tranh thủ sản xuất cho kịp thời gian. Có người cày ải phơi đất cả tháng trước để đón trận mưa đầu mùa này. Một số hộ bắt đầu bơm nước vào ruộng để làm đất chuẩn bị xuống giống. Nếu làm trễ thì đồng nghĩa với việc mất một vụ lúa”.
Điều đáng lo là nông dân bơm nước từ các kênh vào ruộng nhưng không biết nước mặn hay ngọt!? Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, mặc dù những cơn mưa đầu mùa phần nào làm giảm độ mặn trên các sông lớn và kênh nội đồng, song độ mặn vẫn còn ở mức cao. Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, khuyến cáo: “Qua theo dõi độ mặn cho thấy, tuyến kênh Hòa Bình độ mặn dao động từ 1,5 - 5,3%o; tuyến kênh Phước Long - Vĩnh Mỹ: độ mặn từ 2,3 - 3,6%o. Với độ mặn như trên, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con không nên lấy nước vào ruộng để sản xuất, mà cần tiếp tục chờ mưa để giảm độ mặn của nước. Nếu lấy nước trong điều kiện hiện nay thì đồng nghĩa với việc làm cho đất bị nhiễm mặn, và vụ lúa hè thu sẽ gặp rủi ro cao”.
Tập trung cho khâu làm đất
Một vấn đề quan trọng ở vụ hè thu năm nay là nhiều nông dân đang trăn trở về phương pháp cải tạo đất, đặc biệt là đối với những nơi bị nhiễm mặn, phèn. Ông Nguyễn Văn Thắng (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) nói: “Vừa qua, nông dân ở đây gieo sạ và lúa chết vì nhiễm mặn, phèn. Điều khó khăn nhất hiện nay là vấn đề cải tạo đất. Nếu không có biện pháp cải tạo đất hiệu quả thì lúa có thể chết thêm lần nữa dù có nước ngọt”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho rằng: “Thời gian này chỉ là thời điểm giao mùa chứ chưa phải vào mùa mưa chính thức. Với thời tiết như hiện nay, có thể đến giữa tháng 6 thì mới bắt đầu vào mùa mưa. Vì thế bà con cần đợi thông báo lịch xuống giống từ ngành Nông nghiệp. Về khâu cải tạo đất, cần đợi mưa đều để có lượng nước ngọt ổn định thì mới làm đất. Đặc biệt, đối với những vùng nhiễm phèn và xâm nhập mặn, bà con cần rửa mặn, xổ phèn từ 1 - 2 tuần. Bên cạnh đó, xử lý rơm rạ thật kỹ để tránh cây lúa bị ngộ độc hữu cơ”.
PHẠM ĐOÀN
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau