Đồng hành cùng nhà nông

Tăng cường hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ Hai, 21/03/2016 | 17:24

Sau khi thực hiện chuyên đề “Ứng phó với biến đổi khí hậu” do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra, làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống của người dân; Báo Bạc Liêu đã nhận được phản hồi cùng những kiến nghị, giải pháp của ngành quản lý, các địa phương, nhà khoa học và bà con nông dân.

Nông dân Lý Thành Nam trên cánh đồng lúa chết trắng vì xâm nhập mặn ở ấp Sóc Đồn (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: P.Đ

* Nông dân Lý Thành Nam, ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi: Nhà nước cần sớm hỗ trợ cho nông dân

Ở ấp Sóc Đồn, gần như cả cánh đồng đều thất thu vì nước mặn xâm nhập. Người dân không biết nước mặn đến khi nào, nên khi bơm vào ruộng làm lúa bị héo hết. Nhìn những ruộng lúa đang trong giai đoạn trỗ bông mà phải chết non thật là xót. Nhiều hộ cố gắng thu hoạch mót số lúa còn sót lại trên đồng với hy vọng thu lại chi phí đầu tư, nhưng vẫn không kiếm được 5 bao lúa/công. Có hộ 3 công lúa mà chỉ cắt được 7 bao mà toàn là lúa lép nên cũng không bán được. Thu nhập chính của nông dân ở đây chủ yếu là nhờ vào cây lúa, lúa mất mùa coi như bà con khổ. Vì vậy, Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại để giúp bà con tiếp tục sản xuất.

* Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu: Xem xét khoanh nợ và tái đầu tư cho phát triển sản xuất

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiến hành rà soát thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Trên cơ sở đó chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc xem xét thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo thẩm quyền và khả năng tài chính của tổ chức tín dụng. Đồng thời, căn cứ vào khả năng phục hồi sản xuất của khách hàng, tiếp tục cho vay để khách hàng thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh theo quy định. Bên cạnh đó, chủ động tiếp cận, tham gia đầu tư vào các dự án, chương trình đầu tư các công trình phòng chống, hạn chế hạn hán, xâm nhập mặn, công trình nước sạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Mặt khác, căn cứ khả năng tài chính, thực hiện công tác hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân bị thiệt hại nghiêm trọng, nhất là đối với đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, xác định tình hình và số thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn để gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý rủi ro; Ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các chính sách theo quy định tại khu vực ĐBSCL, bao gồm các đối tượng có nợ bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn chưa trả nợ được cho ngân hàng và đang được xem xét, xử lý theo quy định…

* Ông Trần Thanh Phong, Bí thư xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân): Ngành Nông nghiệp cần điều tiết nước chống mặn

Hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua đã làm thiệt hại nặng nề đến phát triển sản xuất. Tính riêng diện tích sản xuất lúa trên đất tôm của xã với 1.900ha đều bị thiệt hại trắng. Hiện nay, xã đã chỉ đạo các địa phương tập trung cùng với nông dân khắc phục hậu quả, tiến hành cải tạo lại đồng ruộng và thả nuôi vụ tôm mới trên đất lúa bị thiệt hại. Tuy nhiên, với dự báo nắng hạn và xâm nhập mặn còn kéo dài sẽ gây bất lợi cho vụ tôm năm nay. Hiện độ mặn trên các kênh thủy lợi đã vượt hơn 16%0, nếu nắng nóng còn kéo dài thì nhất định độ mặn sẽ tăng cao thêm rất nhiều. Thu nhập của bà con nông dân ở đây chủ yếu dựa vào con tôm và cây lúa, vụ lúa bị thất rồi nên mọi hy vọng đều đặt vào con tôm nuôi ở vụ này. Vì vậy, kiến nghị ngành Nông nghiệp cần tập trung làm tốt công tác vận hành thủy lợi, thông báo lịch điều tiết nước mặn cho nông dân chủ động ứng phó, nhằm tránh bị rủi ro ở vụ tôm này.

* Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh: Nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong bảo vệ môi trường

Trước tình hình biến đổi khí hậu nói chung, hiện tượng El Nino nói riêng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nông dân. Trong nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân nắm rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu và tác hại khôn lường của chúng. Qua đó, nâng cao ý thức, tránh nhiệm bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là rừng, đất đai, nguồn nước mặt và nước ngầm.

Ngoài việc nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chịu mặn, chịu hạn, các quy trình kỹ thuật cũng cần phải được thay đổi hay cải tiến, hoàn thiện nâng cao hiệu quả và tính bền vững của mô hình sản xuất. Chẳng hạn như quy trình tưới nước tiết kiệm đối với cây trồng, quy trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, quy trình tiết kiệm điện năng trong sưởi ấm gia súc, gia cầm non; tiết kiệm nước trong vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; chuyển nuôi thủy sản trong ao, vuông sang dạng nuôi lồng bè hay đăng quần để thích ứng với nước biển dâng cao…

LƯ DŨNG - PHẠM ĐOÀN (tổng hợp)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TU về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Lê Minh Khái ký.

Trong đó, chỉ đạo các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể và các địa phương tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-TU. Đồng thời huy động mọi nguồn lực cho phòng chống hạn, xâm nhập mặn; Tập trung chỉ đạo ra quân làm thủy lợi, thủy nông nội đồng; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động bà con nông dân chủ động gia cố bờ bao, ao lắng và bơm trữ nước (mặn, ngọt) tối đa lên ruộng lúa và ao nuôi tôm gắn với sử dụng tiết kiệm nước hiệu quả.

Các huyện, thị xã, thành phố thành lập các tổ bơm nước (huy động toàn bộ máy bơm hiện có, nếu cần thiết có thể trang bị thêm máy bơm mới) để tổ chức bơm chuyền nước phục vụ sản xuất và xử lý các sự cố cống đập thời vụ, nhằm bảo vệ lúa đông xuân. Đồng  thời đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho nuôi trồng thủy sản…

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.