Đồng hành cùng nhà nông

Tập trung phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản

Thứ Hai, 19/09/2016 | 16:43

So với những địa phương khác trong cả nước, Bạc Liêu là tỉnh có nhiều thế mạnh về nghề nuôi trồng thủy hải sản, nhất là con tôm. Phát huy thế mạnh này, Bạc Liêu đã và đang tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm tiên tiến, hiện đại với quyết tâm cùng cả nước nâng tầm con tôm Việt.

*Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại Công ty Việt Úc Bạc Liêu.

*Nông dân huyện Hồng Dân trúng mùa tôm càng xanh.

Ảnh: M.Đ - K.T

PHÁT HUY THẾ MẠNH

Trong những năm qua, Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực và phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong xây dựng hạ tầng và cho ra đời nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mới. Đến nay, Bạc Liêu đã cân đối ngân sách địa phương kết hợp với nguồn vốn Trung ương để đầu tư và chuẩn bị đầu tư 12 dự án kết cấu hạ tầng tại các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, vùng sản xuất tôm - lúa, với tổng diện tích hơn 28.000ha. Trong đó, cơ bản hoàn thành 2 khu với diện tích 830ha, tổng kinh phí đầu tư hơn 85 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai đầu tư các khu còn lại. Cụ thể, đã hoàn thành xong dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp (CN&BCN) xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) có diện tích 830ha, với tổng vốn đầu tư trên 43 tỷ đồng và dự án trại giống thủy sản mặn - lợ cấp I, với tổng vốn đầu tư trên 41 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, không ngừng bổ sung, nâng cấp và ứng dụng các quy trình sản xuất mới cho các mô hình nuôi, giúp người nuôi tôm sản xuất có lãi. Đơn cử một số mô hình nuôi tôm cho lợi nhuận cao như: mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh (TC-BTC) cho lợi nhuận bình quân 210 triệu đồng/ha; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh cho lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng/ha; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) kết hợp cho lợi nhuận bình quân 25 triệu đồng/ha…

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: năng suất của các vùng nuôi tôm TC-BTC, QCCT, QCCT kết hợp, nuôi tôm sinh thái còn thấp, giá thành sản xuất vẫn luôn ở mức cao, thường xuyên đối mặt với tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; môi trường đất, nước đang có dấu hiệu suy thoái, ô nhiễm; việc hỗ trợ tổ chức sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; hiệu quả nuôi trồng chưa cao.

Bên cạnh đó, một số quy trình nuôi tôm còn bất cập; công tác dự tính, dự báo, cảnh báo môi trường, dịch bệnh thủy sản còn hạn chế; hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm còn thấp; thiết bị lạc hậu, chậm được đầu tư, nâng cấp. Thêm vào đó, Bạc Liêu là tỉnh nằm ở cuối nguồn nước sông Hậu, nên lượng nước ngọt từ con sông này đổ về rất hạn chế, nhất là vào mùa khô và dễ bị xâm nhập mặn trực tiếp từ tác động của triều biển Đông (phía tỉnh Cà Mau) và triều biển Tây (phía tỉnh Kiên Giang). Điều kiện kết cấu hạ tầng thủy lợi còn bất cập do hệ thống thủy lợi đã xây dựng trước đây chủ yếu phục vụ cho đối tượng cây, con nước ngọt, hiện nay đã chuyển đổi sang nuôi tôm nên phát sinh nhiều khó khăn chưa giải quyết được; hệ thống kênh mương bị bồi lắng nhanh, không đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất; tiến độ nạo vét không theo kịp tiến độ bồi lắng kênh mương…

QUYẾT TÂM ĐỘT PHÁ

Xác định nghề nuôi trồng thủy sản là thế mạnh kinh tế mũi nhọn của tỉnh và gắn với sinh kế, thu nhập của hàng ngàn hộ dân. Do vậy, dù nghề nuôi trồng gặp nhiều khó khăn nhưng Bạc Liêu quyết tâm phát huy thế mạnh kinh tế mũi nhọn này thông qua nhiều giải pháp, chính sách và tăng cường liên kết, thu hút đầu tư.

Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung phát triển các đối tượng chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể và đa dạng hóa đối tượng nuôi giúp cho người nông dân tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích với lợi nhuận cao. Đó còn là các mô hình nuôi tôm càng xanh, cá chình, cá bống tượng, cá kèo, Artemia... Đồng thời áp dụng đa dạng phương pháp nuôi phù hợp với điều kiện đặc thù như: nuôi luân canh, nuôi chuyên canh, nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên diện tích rộng và quy mô nhỏ…

Đặc biệt, ưu tiên phát triển các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, TC-BTC và nuôi tôm sinh thái. Trong đó, xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là điểm nhấn và tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh, phấn đấu đạt quy mô diện tích 500ha, tập trung ở TP. Bạc Liêu 300ha và huyện Hòa Bình 200ha, với tổng sản lượng đạt 50.000 tấn vào năm 2020; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu liên kết hợp tác sản xuất với nông dân, không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam.

TÚ ANH - MINH ĐẠT

 

* Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch, Phó tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt - Úc: Chuyển giao công nghệ nuôi tôm tiên tiến cho nông dân

Công nghệ nuôi tôm có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nuôi tôm, trước hết từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, nuôi và chế biến. Hiện nay, Tập đoàn Việt - Úc đã phối hợp với Viện tôm của Úc chọn lọc lai tạo, chọn giống bố mẹ nhằm chủ động nguồn giống bố mẹ. Về tôm giống, Tập đoàn Việt - Úc đang sở hữu công nghệ sản xuất tôm giống và đứng nhất tại Việt Nam về cung cấp giống. Về thức ăn, Tập đoàn đã sở hữu công nghệ riêng. Về phần nuôi, có công nghệ nuôi hàng đầu như công nghệ nuôi thâm canh trong nhà kính. Hiện, Tập đoàn đang nhân rộng công nghệ nuôi này bằng cách chuyển giao cho các hộ nông dân nuôi tôm với quy mô nhỏ và ký kết hợp đồng bán tôm nguyên liệu cho các công ty chế biến thủy sản nổi tiếng. Hướng tới, Tập đoàn sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để chế biến tôm thành một chuỗi giá trị khép kín...

* Ông Dương Văn Hùng, Giám đốc DNTN tôm giống Dương Hùng: Cung cấp tôm giống chất lượng cho nông dân

Tình hình biến đổi khí hậu, môi trường ngày càng bị ô nhiễm đã ảnh hưởng đến quá trình nuôi tôm của nông dân. Do đó, DNTN tôm giống Dương Hùng luôn đổi mới công nghệ, quy trình và tìm giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống nhằm thích nghi với môi trường hiện nay. Nếu sản xuất theo kiểu cũ thì tôm giống không đủ khả năng chống chọi với môi trường ô nhiễm ngày càng khắc nghiệt. Vì vậy, DNTN tôm giống Dương Hùng luôn lựa chọn nguồn giống bố mẹ tốt, sử dụng chế phẩm sinh học và thức ăn tốt để không ngừng nâng cao chất lượng tôm giống cung ứng cho nông dân.

Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH & SXTM Trúc Anh: Tái sử dụng nguồn nước trong nuôi tôm

Công ty Trúc Anh hiện đang áp dụng mô hình nuôi tôm không sử dụng hóa chất hay kháng sinh trong quá trình nuôi mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học. Mô hình nuôi tôm này giúp cho môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm và giảm tối đa các rủi ro, giúp con tôm lớn nhanh và chất lượng tốt. Từ đó, kéo theo giảm nhiều chi phí đầu tư khác trong nuôi tôm, giúp nông dân tăng lợi nhuận. Đặc biệt, mô hình này giúp người nuôi tiết kiệm được nguồn nước trong nuôi tôm và tái sử dụng lại nguồn nước do quy trình sản xuất khép kín.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.