Đồng hành cùng nhà nông
Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các ngành và địa phương đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn. Song, từ thực tiễn này cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cần phải mạnh dạn nhìn lại trong quản lý, tổ chức sản xuất. Nếu không, với quá trình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, nền nông nghiệp sẽ phải gánh lấy những hậu quả nặng nề.
* Một con đập được đắp đơn sơ ở ấp Bắc Hưng (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi).
* Một bên nuôi tôm và một bên trồng lúa (hai bên tuyến đường từ xã Vĩnh Thịnh về xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình).
Ảnh: L.D
Lơ là công tác thủy lợi
Tính từ thời gian cao điểm xảy ra xâm nhập mặn đến nay chỉ vỏn vẹn chưa đến 2 tháng, nhưng có đến hàng ngàn héc-ta lúa bị thiệt hại. Chỉ tính riêng diện tích lúa Tài nguyên của huyện Vĩnh Lợi đã bị thiệt hại hơn 3.620ha (ước tính thiệt hại khoảng 46 tỷ đồng) và đẩy hơn 3.300 hộ trồng lúa vào cảnh khốn khó.
Các giải pháp chống hạn, ngăn mặn chủ yếu hiện nay là xây các cống, đập ngăn mặn, giữ ngọt. Nhìn bản kế hoạch đắp cống ngăn mặn chằng chịt ở các tuyến kênh nội đồng của tỉnh mới thấy những bất cập trong công tác chỉ đạo sản xuất. Đơn cử như huyện Vĩnh Lợi, để chống hạn, ngăn mặn cho vụ lúa đông xuân này, huyện thống kê cần phải đắp 214 con đập. Nhiều địa phương khác như Phước Long, Hòa Bình, Hồng Dân và TX. Giá Rai… cũng ra quân đắp đập và kiến nghị tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư nạo vét kênh thủy lợi. Chỉ trong 4 ngày cao điểm của tháng 3/2016, toàn tỉnh có 454 con đập ở các đầu kênh được đắp và sẽ vượt hơn 500 con đập trong tháng 3/2016.
Vấn đề đặt ra là tại sao đến khi xảy ra hạn, xâm nhập mặn mới tiến hành đắp đập, xin kinh phí hỗ trợ nạo vét kênh thủy lợi để tích nước trữ ngọt, trong khi công tác thủy lợi - thủy nông nội đồng là việc phải làm thường xuyên hàng năm? Tồn tại bất cập trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn là do ý thức người dân. Nhiều nơi người dân luôn ỷ lại và xem đó là trách nhiệm của Nhà nước. Trong khi đó, về phân cấp quản lý, các tuyến kênh nội đồng chủ yếu do địa phương quản lý và phát huy vai trò của người dân là chính. Đó là chưa kể đến việc khi ngành Nông nghiệp tỉnh thi công nạo vét nhiều tuyến kênh cũng bị người dân cản trở, không cho đổ đất, buộc phải bồi thường…
Phản ánh bất cập này để thấy rằng, công tác thủy lợi rất quan trọng, mà người hưởng lợi trực tiếp là nông dân. Cũng như khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn thì nông dân cũng phải đương đầu chứ không thể né tránh. Từ đó, việc chủ động làm tốt công tác thủy lợi, tích trữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn phải được tiến hành thường xuyên, thay vì chỉ tập trung làm khi xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn.
Đất sẽ nhiễm mặn, nước ngọt sẽ thiếu!
Với sự biến đổi khí hậu gần như không lường trước, nếu Bạc Liêu không làm tốt công tác quy hoạch, quản lý sản xuất thì khó có thể phát triển bền vững. Bởi hiện nay, con tôm đã lấn sân và làm xáo trộn vùng chuyên lúa. Đơn cử như hai bên tuyến đường từ xã Vĩnh Thịnh về xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình) đều có nuôi tôm và trồng lúa. Nhìn cây lúa phát triển èo uột cạnh đồng tôm chỉ cách nhau có một bờ đất (khoảng 0,5m) thì làm sao cây lúa không bị nhiễm mặn. Đó là chưa nói khi tôm chết, người ta cũng xả nước thải ngay trên con kênh cấp nước cho cây lúa (do con tôm và cây lúa sử dụng chung kênh thủy lợi).
Một bất cập khác là nông dân ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, ngoài nuôi tôm sú trên đất lúa, có người còn thả nuôi tôm thẻ chân trắng bất chấp quy hoạch. Và độ mặn trong nước nuôi tôm thẻ chân trắng lúc nào cũng phải cao hơn độ mặn nuôi tôm sú.
Đất lúa bị xâm nhập mặn từ triều cường là điều bất khả kháng, nhưng tại sao nông dân cũng tự làm cho đồng lúa của mình bị xâm nhập mặn? Nếu không quản lý tốt quy hoạch sản xuất, người nông dân phớt lờ khuyến cáo cấm nuôi tôm trong vùng chuyên lúa của ngành Nông nghiệp… thì chỉ tính riêng việc cần nước ngọt rửa mặn thôi đã khó, chứ lấy đâu ra nước ngọt mà chống mặn!
Còn về con tôm, khi diện tích nuôi tôm tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu tăng lượng nước bổ sung vào vuông tôm. Và chuyện phải khoan nhiều giếng nước ngầm lấy nước nuôi tôm là điều hiển nhiên. Bên cạnh đó, việc khai thác theo kiểu “giếng này hư thì khoan giếng mới” sẽ làm hủy hoại, ô nhiễm và lãng phí nguồn nước ngầm. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, đến nay toàn tỉnh có hơn 2.000 giếng khoan nước ngầm bị hư và sẽ tác động xấu đến nguồn nước. Còn theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến cuối tháng 2/2016, mực nước ngầm ở các giếng khoan đã tụt khoảng 2m, gây khó khăn cho việc cấp nước sinh hoạt của nhân dân; đồng thời làm tăng chi phí sản xuất của 110 trạm cấp nước sạch phục vụ người dân nông thôn.
Việc thiếu nước ngọt cũng bắt đầu xảy ra ở một số nơi thuộc vùng chuyên sản xuất rau màu của TP. Bạc Liêu làm cho nhiều hộ trồng màu điêu đứng, phải giảm diện tích sản xuất. Ông Trần Thanh Tùng (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) than thở: “Tôi có 4 công đất sản xuất rau màu và đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện nay, do thiếu nước ngọt khá nghiêm trọng, gia đình tôi phải canh để bơm nước dự trữ vào ban đêm mới có nước tưới rau vào buổi sáng. Vì thiếu nước sản xuất nên tôi chỉ trồng 2 công màu”.
Biến đổi khí hậu mà tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của nhân dân là khô hạn và xâm nhập mặn. Bạc Liêu là một trong những tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng này. Vì vậy, cần có ngay các giải pháp chủ động ứng phó, thay vì bị động, khắc phục hậu quả.
LƯ DŨNG
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau