Đồng hành cùng nhà nông

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần tính đến giải pháp sống chung với hạn, mặn

Thứ Hai, 14/03/2016 | 15:41

Chưa bao giờ Bạc Liêu phải đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề như lúc này. Nhìn những cánh đồng nứt nẻ, cây lúa chết khô mới thấy nước ngọt cần thiết đến mức nào. Có nơi nông dân phải chấp nhập thu hoạch sớm khi hạt lúa chỉ mới cứng bông, và chuyện thua lỗ trong vụ lúa là khó tránh khỏi.

* Thi công công trình chống xâm nhập mặn tại ven biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu).

* Hạn hán làm cho nhiều tuyến kênh thủy lợi ở vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A cạn kiệt khó lấy nước nuôi tôm.

Ảnh: L.D

Thất bát vụ lúa đông xuân

Đối với nhiều nông dân, trong ba vụ lúa trong năm, thì đông xuân là vụ lúa ăn chắc, vì năng suất lúc nào cũng cao hơn vụ hè thu, thu đông từ 1 - 2 tấn/ha. Thế nhưng, vụ đông xuân năm nay, nhiều nơi lại rơi vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng vì hạn hán và xâm nhập mặn. Ông Nguyễn Văn Tám (xã Phước Long, huyện Phước Long) bày tỏ: “Bây giờ nông dân làm lúa khổ lắm, họ gần như không lường trước được những rủi ro. Trước đây, vào mùa khô (từ tháng 3 trở đi) mới lo thiếu nước, xâm nhập mặn, thì nay, tháng 11/2015 đã xuất hiện hạn hán, xâm nhập mặn rồi”.

Hạn hán, xâm nhập mặn ở Bạc Liêu xuất hiện từ những ngày đầu tháng 11/2015. Ngay cả những tuyến kênh lớn ở huyện Phước Long có thời điểm nước mặn đo được vượt hơn 4%o. Chỉ tính riêng vụ lúa trên đất tôm ở huyện Hồng Dân  cũng đã có hơn 4.540ha bị thiệt hại. Còn theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay đã có hơn 11.450ha lúa bị thiệt hại, ước tính khoảng 122 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Thanh (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) than vãn: “Phần lớn nông dân đều trông chờ vào vụ đông xuân. Vì vậy, nếu vụ lúa này thất mùa coi như nông dân mất hết vốn, không có tiền lo cho vụ hè thu”.

Hạn, mặn sẽ còn gay gắt

Theo dự báo của ngành Nông nghiệp: hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới sẽ tiếp tục gay gắt và diễn biến phức tạp. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cảnh báo, mực nước trên các kênh rạch của Bạc Liêu sẽ hạ thấp từ 0,1 - 0,2m kéo dài từ tháng 3 cho đến tháng 4/2016. Điều đáng quan tâm, đây là giai đoạn rất cần nước phục vụ cho lúa đông xuân. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, trong tháng 3/2016 cần điều tiết nước ngọt cho hơn 33.620ha và  tháng 4/2016 có gần 8.630ha cần nước ngọt. Với áp lực thiếu nước ngọt trầm trọng, và nếu như nắng nóng còn tiếp tục kéo dài thì còn hơn 45.590ha lúa đông xuân (dự kiến đến cuối tháng 4/2016 mới thu hoạch dứt điểm) sẽ khó tránh khỏi nguy cơ thất trắng.

Ông Nguyễn Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Để bảo vệ khoảng 9.000ha lúa, huyện đã tích cực ra quân chống hạn, xâm nhập mặn, tổ chức vận hành tốt các cống ngăn mặn, giữ ngọt. Tuy nhiên, việc làm này còn gặp nhiều khó khăn vì hệ thống thủy lợi ở một số nơi vẫn chưa được đầu tư kiên cố hóa. Đơn cử như ở xã Ninh Quới vẫn còn 3 cống đắp bằng đất nên thiếu an toàn và rủi ro cao”.

Cùng với cây lúa đang thiếu nước ngọt, trong tháng 3/2016 và những tháng mùa khô, con tôm cũng sẽ phải đương đầu với nạn thiếu nước ngọt bổ sung vào các đầm tôm. Bên cạnh đó, nắng nóng kéo dài sẽ làm cho độ mặn trong các ao tôm vượt ngưỡng chịu đựng của tôm. Theo dự báo của cơ quan chức năng, vào  những tháng mùa khô năm nay, nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình năm từ 0,5 - 1,5oC, độ mặn ở các ao nuôi sẽ cao hơn 25%o.  Và việc tôm chết vì không thích nghi môi trường là khó tránh khỏi. Nếu đúng như dự báo này, thì việc cung cấp nước ngọt cho diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 127.865ha thật sự là bài toán khó.

Nên sống chung với hạn, mặn

Cùng với những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ là thách thức lớn mà nông dân Bạc Liêu phải đương đầu. Do vậy, với những giải pháp mà ngành Nông nghiệp đang tập trung khắc phục như xây dựng hệ thống thủy lợi, đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt, vận hành các cống đầu mối, hỗ trợ nông dân bị thiệt hại... chỉ là những giải pháp mang tính ứng phó tình thế, chưa thật sự hiệu quả. Bởi, về lâu dài, ngành Nông nghiệp và nông dân không thể cứ phải chạy lo chống mặn, chống hạn kiểu mặn đến đâu ngăn đến đó, mà cần những giải pháp phi công trình, cần tính đến giải pháp sống chung với mặn và khô hạn.

Đó là việc cơ cấu lại mùa vụ, cây trồng - vật nuôi cho từng khu vực gắn với điều kiện đặc thù. Như đối với khu vực thường xảy ra khô hạn, xâm nhập mặn, có nên sản xuất 3 vụ lúa/năm, hay chỉ tập trung làm 1 vụ ăn chắc ở những vùng chủ động được về nguồn nước ngọt? Còn vào thời gian khác thì trồng hay nuôi con khác không bị lệ thuộc nhiều về nguồn nước. Thậm chí, chuyển đổi luôn cơ cấu sản xuất nếu như sản xuất nơi ấy không thuận lợi, rủi ro cao. Đồng thời cần nghiên cứu thêm các bộ giống, các cây - con thích nghi với vùng mặn, chịu được khô hạn... Có vậy, nông dân mới giảm bớt rủi ro, và ngành quản lý không phải chạy lo chống mặn (mà hiệu quả mang lại không cao). Mặt khác, Nhà nước và nông dân cũng không thể kiếm đâu ra hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm cho chống hạn và xâm nhập mặn.

Bài học từ việc chạy lũ chuyển sang sống chung với lũ ở nhiều tỉnh của khu vực ĐBSCL đã chứng minh tính thích ứng, chủ động ứng phó với tự nhiên. Đây cũng là yêu cầu mang tính quy luật nhằm từng bước hướng đến nắm bắt quy luật và chủ động làm chủ sản xuất, tính trước được lợi nhuận, giảm dần những rủi ro, thiệt hại không đáng có.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.