Đồng hành cùng nhà nông
Vốn cho nông dân: Thông đầu vào, tắc đầu ra!
Với những bất cập trong thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP để thay thế Nghị định 41. Tuy nhiên, nông dân vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ này và chỉ vay được vốn khi có tài sản thế chấp.
Người dân vay vốn phát triển sản xuất tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Hồng Dân. Ảnh: Tú Anh
Khi Nghị định 55 ra đời, nhiều hộ nông dân rất mừng vì nhiều nút thắt về cơ chế vay vốn đã được cởi trói. Đó là tăng mức cho vay, mở rộng đối tượng cho vay, cho vay sản xuất công nghiệp - thương mại và dịch vụ trên địa bàn nông thôn... Cụ thể, đối với các hộ nuôi trồng thủy sản được vay đến 500 triệu đồng; các hợp tác xã (HTX), chủ trang trại sản xuất nông nghiệp được vay đến 1 tỷ đồng; các HTX nuôi trồng thủy sản, khai thác xa bờ được vay đến 2 tỷ đồng; các Liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản xa bờ được vay 3 tỷ đồng… Thế nhưng, phần lớn nông dân đều khó tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn vốn này.
Theo Nghị định số 55, tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có đảm bảo hoặc không có đảm bảo tài sản theo quy định. Song, hiện nay các ngân hàng cho vay đều bắt buộc phải có tài sản đảm bảo. Nghĩa là muốn vay thì phải có tài sản thế chấp, hoặc phải nộp sổ đỏ, cũng như khó vay được nhiều tiền nếu như có ít đất. Đơn cử như hộ ông D.T.P (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân), để vay 54 triệu đồng phục vụ chăn nuôi heo, ông P. phải thế chấp 5 sổ đỏ với gần 30 công đất nông nghiệp cho Ngân hàng NN&PTNT huyện. Trong khi đó, ông P. được xem là khách hàng truyền thống, giao dịch với ngân hàng trong nhiều năm.
Những vấn đề trên cho thấy, chính sách vay vốn tuy có mở, nhưng lại tắc đầu ra. Vì với quy định phải nộp sổ đỏ mới cho vay thì có mấy nông dân được tiếp cận vốn sản xuất do phần lớn sổ đỏ của họ đều nằm trong các ngân hàng. Mặt khác, đối với các HTX nông nghiệp làm dịch vụ thì lấy tài sản đâu để thế chấp?
“Khát vốn”, phải vay nóng với lãi suất cao, bị mất đất vì không có tiền thanh toán nợ - vốn trở thành nỗi ám ảnh, làm khổ người nông dân lâu nay. Vậy, đối với những mô hình sản xuất hiệu quả, có thể cho nông dân vay bằng hình thức tín chấp được không? Nếu được, chắc chắn nông dân sẽ mừng lắm!
HAI LÚA
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau