Đồng hành cùng nhà nông
Vụ lúa đông xuân: Nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất
Nông dân một số địa phương, nhất là huyện Vĩnh Lợi đang lo lắng việc thiếu nước phục vụ sản xuất lúa đông xuân. Hiện nay, nhiều kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng bị bồi lắng, cạn nước, khả năng thiếu nước cho sản xuất vụ đông xuân rất cao. Trước mắt, chính quyền địa phương đang vận động nông dân sên vét kênh thủy nông nội đồng để bơm nước lên ruộng cứu lúa…
* Sở NN&PTNT họp bàn giải pháp khắc phục việc thiếu nước sản xuất vụ lúa đông xuân. * Nhiều tuyến kênh nội đồng ở xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi) cạn nước. * Xã Long Thạnh vận động nông dân sên vét kênh nội đồng đưa nước vào cứu lúa. Ảnh: M.Đ |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có gần 5.000ha lúa đông xuân có nguy cơ thiếu nước. Dự báo của ngành chức năng, mực nước trên các kênh thủy lợi thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Khoảng 15 ngày nữa là xảy ra nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ các trà lúa đông xuân, chủ yếu ở 2 huyện: Vĩnh Lợi và Hòa Bình. |
Huyện Vĩnh Lợi có 8.155ha lúa đông xuân, nhưng khả năng thiếu nước sản xuất khoảng 2.500ha. Nghiêm trọng nhất là xã Long Thạnh, do nằm ở điểm cuối nguồn nước nên mực nước ở các kênh rất thấp. Tất cả các kênh nội đồng đều cạn nước nên sẽ thiếu nước trầm trọng hơn so với các nơi khác.
Huyện Hòa Bình có khoảng 3.000ha lúa đông xuân thiếu nước, tập trung ở 2 xã: Vĩnh Bình và Minh Diệu. Còn huyện Phước Long có hơn 11.800ha lúa đông xuân. Đến nay, nông dân đã thu hoạch 1.000ha, còn hơn 10.000ha lúa trong giai đoạn đứng cái, làm đòng có nguy cơ thiếu nước.
Xã Long Thạnh có 1.800ha lúa đông xuân. Trong đó, có khoảng 1.000ha có khả năng thiếu nước sản xuất. Các trà lúa chỉ mới 30 - 40 ngày tuổi nên cần lượng nước khá nhiều để cây lúa phát triển. UBND xã đã tổ chức họp dân để bàn giải pháp cứu lúa. Nông dân một số ấp đồng ý đóng góp tiền của để sên vét các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng để có nước bơm lên ruộng. Ông Nguyễn Văn Khởi, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: “Giải pháp trước mắt của xã là vận động nhân dân đóng góp để sên vét kênh nội đồng. Đồng thời đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ sên vét các kênh thủy lợi cấp 2, cấp 3 vượt cấp để đưa nước về cứu lúa”.
Theo ông Trương Văn Nhớ, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi: “Huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sên vét các tuyến kênh thủy lợi trên địa bàn, góp phần tăng khả năng trữ nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Tuyên truyền, vận động nhân dân sên vét các tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng. Vận động nông dân trong cùng khu vực liên kết trong khâu bơm nước, nhất là các tuyến kênh nội đồng bị khô cạn cần thực hiện bơm truyền, bơm tiếp nhiều giai đoạn. Khuyến cáo nông dân sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất lúa, áp dụng tốt phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, góp phần đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và đảm bảo năng suất lúa. Theo dõi độ mặn trên hệ thống các tuyến kênh có cống đầu mối ngăn để kịp thời có biện pháp xử lý khắc phục và thông báo cho nhân dân chủ động sản xuất. Kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí xăng dầu phục vụ việc bơm tưới lúa vụ đông xuân ở những khu vực thiếu nước…”.
“Trước tình hình thiếu nước phục vụ lúa đông xuân, địa phương đã vận động nhân dân sên vét kênh nội đồng. Nông dân phải bơm truyền để lấy nước nên chi phí vụ đông xuân rất cao. Đề nghị tỉnh hỗ trợ tiền bơm tát cho nông dân trong vụ lúa này”, ông Mã Thanh Phương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình cho biết.
Minh Đạt
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau