Du lịch
Đánh thức tiềm năng du lịch Bạc Liêu
Hội nghị Xúc tiến đầu tư và liên kết phát triển du lịch Bạc Liêu 2014 đã được tổ chức tại Bạc Liêu với sự tham dự của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ và TP. HCM… Đây là dịp để Bạc Liêu giới thiệu và cung cấp thông tin về sản phẩm, trao đổi với các đối tác. Đã có nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp góp ý giúp Bạc Liêu đánh thức tiềm năng du lịch, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
* Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long:
Đờn ca tài tử thổi hồn cho du lịch phát triển
Việc chọn Bạc Liêu là nơi tổ chức Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) đầu tiên là sự lựa chọn chính xác, bởi Bạc Liêu là “cái nôi” của ĐCTT. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân tiền bối. Đó là Lê Tài Khí, ông tổ của ĐCTT; rồi người học trò của ông là Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang - đã trở thành nhạc phẩm bất hủ của ĐCTT…
Bản thân ĐCTT luôn gắn với tình đất, tình người Bạc Liêu, gắn với tình đất, tình người Nam bộ.
Du khách đến với Bạc Liêu để biết thế nào là ĐCTT, tìm hiểu về Công tử Bạc Liêu, biết về chùa Xiêm Cán, thưởng thức hương vị đặc sản gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, bánh tằm Ngan Dừa… Chuyện du lịch, suy cho cùng cũng là chuyện văn hóa. Văn hóa càng đặc sắc, càng thú vị thì du lịch càng hấp dẫn.
Hãy giữ hồn cốt của ĐCTT, ĐCTT sẽ thổi hồn cho du lịch phát triển…
* Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. HCM:
Liên kết tua du lịch đặc thù giữa TP. HCM với Bạc Liêu và ĐBSCL
Ngành Du lịch TP. HCM với 8 triệu cư dân, còn có lượng khách du lịch quốc tế có nhu cầu đi du lịch Mêkông rất lớn. Do đó, việc phối hợp, liên kết không chỉ là sự chủ động của TP. HCM, mà hơn hết là sự chủ động của điểm đến Bạc Liêu.
Điểm đến Bạc Liêu không thể tách rời ĐBSCL, bởi trước khi đến Bạc Liêu, du khách đã đến những tỉnh khác của vùng. Do đó, du khách cần hưởng thụ sản phẩm du lịch không trùng lắp. Chẳng hạn, ĐBSCL có chung sản phẩm văn hóa ĐCTT Nam bộ, do vậy, Bạc Liêu phải tìm được cách thể hiện riêng để du khách không bị “bội thực” vì được thưởng thức quá nhiều.
Ngoài ra, Bạc Liêu cần chú trọng đào tạo thuyết minh viên để du khách có thể cảm thụ hết ý nghĩa và cái hồn của các điểm du lịch… Đồng thời chú trọng quảng bá các sản phẩm du lịch bằng nhiều hình thức như: sự kiện, truyền thông…
* Ông Phạm Phước Như, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL:
Cần đầu tư các cơ sở lưu trú để đón du khách
Ba năm trở lại đây, Bạc Liêu đã có bước phát triển trong lĩnh vực du lịch. Cách làm rất hay của Bạc Liêu là việc đưa nghị quyết phát triển du lịch vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi đầu tư vào du lịch bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi và rất hợp lý.
Nói đến ĐBSCL là nói đến du lịch sinh thái vùng sông nước, đó là đặc thù riêng của vùng. Nhưng cần phải tăng cường liên kết trong vùng để không có sự trùng lắp, tạo sự hấp dẫn cho du khách.
Bạc Liêu có một nét rất riêng và hay, đó là đường phố sạch - đẹp, ít hiện tượng buôn bán hàng rong, tiểu thương cũng không chèo kéo khách, do đó sẽ nhận được sự thiện cảm của du khách, họ mong trở lại Bạc Liêu. Tuy nhiên, cần đầu tư vào các cơ sở lưu trú, điểm kinh doanh ăn uống, mua sắm đạt chuẩn để phục vụ tốt hơn cho khách du lịch…
Đàm Nguyễn (thực hiện)
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau