Du lịch

Đánh thức tiềm năng du lịch Bạc Liêu

Thứ Hai, 16/04/2012 | 16:50

Nếu như trước đây, Bạc Liêu được người phương xa biết đến qua những giai thoại về Công tử Bạc Liêu thì ngày nay, du khách tìm đến Bạc Liêu bởi sức hấp dẫn của một vùng đất ẩn chứa nhiều điều mới mẻ với những địa điểm du lịch “không đụng hàng”. Chỉ tiếc rằng, do chưa được khai thác hết tiềm năng nên sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi, du lịch Bạc Liêu vẫn được ví von như nàng công chúa còn đang “say ngủ”…

Nàng công chúa còn “say ngủ”

Sở dĩ được gọi là “không đụng hàng” bởi chỉ ở Bạc Liêu mới có chiếc đồng hồ đá trên 100 năm tuổi (do nhà bác vật Lưu Văn Lang sáng chế từ thế kỷ 19). Chiếc đồng hồ được xây bằng gạch, đá, xem giờ dựa vào bóng nắng, nhưng chính xác đến từng phút khiến du khách khi tận mắt kiểm chứng với đồng hồ điện tử ai nấy cũng phải ngỡ ngàng. Ngoài chiếc đồng hồ đá Thái Dương độc đáo và duy nhất ở Việt Nam, sức hấp dẫn của Bạc Liêu đối với khách phương xa còn là những địa điểm du lịch sinh thái (vườn chim Bạc Liêu, khu Hồ Nam), du lịch tâm linh (khu Quán âm Phật đài)… Trong vài năm trở lại đây, các điểm du lịch này đã thu hút đông đảo du khách nước ngoài, du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan, thưởng ngoạn.

Đông đảo du khách đến tham quan khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng (huyện Giá Rai). Ảnh: C.K

Do đánh giá đúng thế mạnh của tiềm năng du lịch tỉnh nhà, một trong những ngành “công nghiệp không khói” nhưng “hái” ra tiền nên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã có Nghị quyết 02/NQ-TU về việc đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn từ nay đến năm 2015. Để cụ thể hóa nghị quyết này, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động du lịch giai đoạn 2012 - 2015 và những năm tiếp theo nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, đưa du lịch trở thành một trong những ngành mũi nhọn kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nói đến Nghị quyết 02 và chương trình hành động du lịch của tỉnh để thấy rằng, nhiều năm qua dù còn rất chật vật với cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch vừa thiếu vừa không mang tính đặc trưng của địa phương… nhưng các ngành, các cấp trong tỉnh, đặc biệt là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có một tư duy mới: tư duy phát triển du lịch thành một ngành mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã chỉ ra rằng: quyết tâm phát triển du lịch của tỉnh không chỉ để phát triển kinh tế mà qua đó còn quảng bá hình ảnh, giới thiệu nét đặc thù về văn hóa của một vùng đất… đến với bạn bè gần xa. Từ đó, tạo sức ảnh hưởng, nâng tầm vị thế của tỉnh trong tương lai.

Nói đến tiềm năng du lịch Bạc Liêu, ngoài những khu du lịch sinh thái, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hàng chục ki-lô-mét bờ biển hoang sơ… thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến 8 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh đang hiện diện trên địa bàn. Vẫn còn đó nét hoang sơ, cổ kính của những ngôi chùa như: chùa Cỏ Thum, chùa Minh (Thành Hoàng Cổ Miếu), chùa Bang (Phước Đức Cổ Miếu)… đang chờ du khách khám phá. Đó còn là nét văn hóa cộng sinh độc đáo giữa các dân tộc anh em vẫn còn ẩn hiện đâu đó nơi tháp cổ Vĩnh Hưng, nét duyên dáng, dịu dàng của người con gái Khmer Nam bộ uyển chuyển trong điệu múa truyền thống… Tất cả đã tạo ra một nét riêng không lẫn vào đâu được của du lịch Bạc Liêu, giữa không gian du lịch rộng lớn của vùng ĐBSCL và cả nước.

Chỉ tiếc một điều là, dù có nhiều di tích cấp quốc gia, nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với nhiều điều mới mẻ chưa được khám phá nơi những cánh rừng ngập mặn… nhưng nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa biết cách khai thác, phát huy đúng các thế mạnh sẵn có từ thiên nhiên, từ các di tích… để phát triển du lịch đúng nghĩa. Hiện tại, khi đến với Bạc Liêu, du khách mới chỉ được hướng dẫn đến những địa chỉ quen thuộc, loanh quanh trong lòng thành phố cùng những bài “thuyết minh” thuộc nằm lòng của các thuyết minh viên mà không có những tua du lịch theo dạng khám phá, trải nghiệm như: đạp xe đi dọc triền đê biển, thử 1 ngày làm Công tử Bạc Liêu… Ngoài những khám phá, trải nghiệm của bản thân đối với các di tích, bản sắc văn hóa nơi mình đến thì sức hút đối với khách du lịch còn đến từ sự hài lòng của du khách đối với các dịch vụ phụ trợ. Điều này quyết định du khách có trở lại Bạc Liêu lần thứ 2, thứ 3… nữa hay không. Đó chính là bài toán cần được những người làm du lịch tính đến.

Có người ví von rằng: Du lịch Bạc Liêu giống như nàng công chúa vẫn còn “say ngủ”. Bởi, từ thực tế kết quả của chương trình hành động du lịch giai đoạn 2006 - 2010 cho thấy, ngoài sự thiếu đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, con người làm du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch… thì các ngành, các cấp, các địa phương vẫn còn quá xa lạ với thuật ngữ “làm du lịch”. Do đó, trong nhiều năm, dù đã cố gắng nhiều nhưng du lịch Bạc Liêu vẫn còn ở dạng tiềm năng so với nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Vấn đề đặt ra ở đây là, ai sẽ là người đánh thức nàng công chúa vẫn còn “say ngủ” và đánh thức như thế nào để đưa nàng công chúa có sắc đẹp kiêu sa này đi dự những yến tiệc linh đình để mọi người cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy?! Với Nghị quyết 02, chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2012 - 2015, cộng với sự quyết tâm của cả Đảng bộ, chính quyền và người dân, tin rằng không lâu nữa bạn bè gần xa sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu sa của nàng công chúa ấy sau một giấc ngủ dài…

 

Du khách tham quan khu du lịch sinh thái Vườn chim Bạc Liêu.
Ảnh: P.T.C

Làm du lịch như thế nào?

Bạc Liêu được biết đến như một xứ sở hào phóng, khoáng đạt với những con người hào sảng, phóng khoáng và giàu lòng hiếu khách. Đất đai thì phì nhiêu, sản vật cũng nhiều vô số kể, dù không có danh lam, thắng cảnh nhưng nét hoang sơ của những cánh rừng ngập mặn, nét cổ kính của những ngôi chùa trên 100 năm tuổi ẩn chứa nhiều điều huyền bí… cũng đủ làm say đắm lòng người. Với những gì đang có hiện nay, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch thì nhiều người đang tự hỏi: Bạc Liêu phải làm du lịch như thế nào để phát huy hết tiềm năng của ngành “công nghiệp không khói” này?

Nếu như thời gian qua mọi người đã quá quen với các cụm từ: “xã hội hóa giáo dục”, “xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo”… thì trong bối cảnh tỉnh đang tập trung đầu tư, phát triển du lịch như hiện nay, thiết nghĩ cụm từ “xã hội hóa du lịch” sẽ là một hướng đi mới, hứa hẹn mang lại nhiều điều mới mẻ cho ngành Du lịch tỉnh nhà.

Mới đây, có một sự kiện quan trọng về du lịch đã diễn ra ở tỉnh, đó là chương trình “Vietcaravan - Hành trình văn hóa du lịch Bạc Liêu”. Chương trình này được tổ chức rất bài bản, đoàn đã đi tham quan hầu hết tại các điểm du lịch trong tỉnh, trong đó có khu nhà vườn Chí Tôn tại huyện Hòa Bình. Tại đây, nhiều du khách đã trầm trồ thán phục và tỏ ra rất thích thú với những món đồ mà gia chủ đã dày công sưu tầm. Không phải họ thán phục những món “đồ cổ” được bày biện ngổn ngang hay sự “chịu chơi” của gia chủ khi bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây cất những ngôi nhà bằng loại gỗ quý theo lối kiến trúc xưa, mà họ thán phục bởi chỉ ở nơi đây họ mới tìm được hoài niệm về tuổi thơ của mình qua những vật dụng rất đơn giản của một thời như: đèn măng xông, bàn ủi than, các dụng cụ làm các món bánh truyền thống, dân dã đặc trưng ở vùng nông thôn Nam bộ. Chỉ tiếc một điều là, địa điểm này chưa được những người làm du lịch tìm hiểu, phối hợp để kết nối tua - tuyến cho khách tham quan, chỉ đến khi đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy “nhắc nhở” thì nơi đây mới được bổ sung vào hành trình của đoàn vào giờ chót.

Điều này cho thấy, cách làm du lịch của ta vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, manh mún, các tua - tuyến chưa thật sự để lại ấn tượng mạnh với du khách khi chúng ta chỉ loay hoay khai thác những gì sẵn có mà quên rằng sự lặp đi lặp lại đó sẽ làm cho du khách nhàm chán. Ông Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho rằng: “Ngành Du lịch chỉ thật sự phát triển khi người người, nhà nhà cùng tham gia làm du lịch. Cách làm du lịch của chúng ta cần được nghiên cứu, đổi mới cho phù hợp, thích hợp với từng tua - tuyến, từng đối tượng khách. Điểm du lịch chúng ta không thiếu, cái thiếu rõ nhất hiện nay là dịch vụ du lịch và các sản phẩm du lịch phụ trợ”. Khi mọi người dân đã có ý thức làm du lịch, thì đôi khi chỉ một vườn chim, vườn cò tư nhân, thậm chí một vườn trái cây cũng có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đủ sức níu kéo bước chân du khách gần xa.

Có lần, đi công tác ở xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân) chúng tôi được một người bạn dẫn vào quán “Hồ Sen”. Nơi đây trồng rất nhiều sen, cả khu hồ có đến vài trăm mét vuông, phía trên mặt hồ là những căn chòi lá đơn sơ được gia chủ mắc thêm vài cái võng. Giữa miền quê yên ả, trời nước mênh mông, hương sen ngào ngạt với những món nhâm nhi được chế biến từ sen như: chè hạt sen, gỏi ngó sen, củ sen…, khiến chúng tôi ngây ngất. Đây là cách làm du lịch giản đơn của người dân nông thôn, trong khi ngành Du lịch tỉnh đang nắm trong tay rất nhiều khu di tích cấp quốc gia, các điểm du lịch sinh thái… thì lại không phát huy hết được thế mạnh du lịch của một tỉnh miền sông nước với phong cảnh hữu tình, thật đáng tiếc!

Thay vì đưa du khách “cưỡi ngựa xem hoa” trên những chiếc xe 4 bánh lướt qua các điểm du lịch, tại sao chúng ta không tổ chức các tua du lịch mang tính chất tự khám phá, tự trải nghiệm? Du khách có thể thong thả đạp xe theo các triền đê, thưởng ngoạn phong cảnh rừng ngập mặn ẩn hiện trong sương sớm với làn gió biển mơn man trên da thịt. Xa xa là những cánh quạt khổng lồ từ công trình điện gió xoay tít. Tua du lịch này có thể kết hợp ghé thăm vườn chim Bạc Liêu, thắp nén nhang tại khu Quán âm Phật đài, rồi sau đó rủ nhau về trung tâm thành phố để được một ngày làm Công tử Bạc Liêu; hay được hòa mình với thiên nhiên xoắn quần lội ruộng, lội mương để mò tôm, bắt cá… Tin chắc rằng, với những tua du lịch như thế này sẽ thu hút được rất nhiều du khách gần xa!

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành Du lịch, của các địa phương khi gần đây đã tổ chức các tua - tuyến thử nghiệm như: “Một thoáng Bạc Liêu”, “Du lịch trên sông Bạc Liêu - tuyến Bạc Liêu - Vàm Lẽo”… Nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn và những người trong cuộc thì các tua - tuyến này vẫn cần được đầu tư bài bản hơn, đổi mới phong cách hướng dẫn, phục vụ. Bởi cái thiếu lớn nhất của chúng ta vẫn là thiếu con người làm du lịch và các dịch vụ du lịch mang tính đặc trưng địa phương. Thế mạnh du lịch của chúng ta không chỉ ẩn mình trong các khu di tích lịch sử, du lịch tâm linh, mà đó còn là nét văn hóa độc đáo giữa 3 dân tộc anh em sống cộng cư: Kinh - Hoa - Khmer. Nếu phát huy được sức mạnh này, cộng với tổ chức tua - tuyến hợp lý theo từng chủ đề, từng đối tượng khách thì tin rằng chỉ trong một thời gian ngắn du lịch Bạc Liêu sẽ khởi sắc.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.