Du lịch
Du lịch Bạc Liêu đang cất cánh
Tuy không được thiên nhiên ưu đãi ban cho nhiều danh lam thắng cảnh, với xuất phát điểm làm du lịch gần bằng 0, vậy mà với quyết tâm và nỗ lực của mình, Bạc Liêu đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách...
Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu) - một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận. Ảnh: C.K |
Trước đây, khi chọn tua du lịch về ĐBSCL, du khách thường chọn một vài điểm đến như Kiên Giang vì có Phú Quốc, Hà Tiên; hay An Giang vì có núi Cấm, Châu Đốc; đến Cà Mau thì có Hòn Đá Bạc, Đất Mũi, Hòn Khoai; hoặc sẽ đến các tỉnh Bắc sông Hậu vì có hệ thống sông ngòi cù lao, đặc trưng du lịch miệt vườn hình thành từ lâu…; Bạc Liêu không hề có một điểm nhấn du lịch khi chưa có sự đầu tư và khai thác đúng mức. Chính vì thế, Bạc Liêu buộc lòng phải tự mình tìm ra hướng đi mới với một “công thức” hoàn toàn đặc biệt: nâng cao hàm lượng văn hóa trong cách làm du lịch. Đó là cách làm được cụ thể hóa từ một nghị quyết chuyên đề “đẩy mạnh phát triển du lịch” (Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu).
Nhà Công tử Bạc Liêu - một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: C.K |
Để có tên trên bản đồ du lịch ĐBSCL, Bạc Liêu đã trải qua một quá trình nỗ lực và quyết tâm trong chỉ đạo và thực hiện. Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi), khu du lịch sinh thái Hồ Nam, khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, khu biển nhân tạo và khu du lịch Nhà Mát - 6 điểm du lịch tiêu biểu này hiện không chỉ là những cái tên nằm trong các tua, tuyến được kết nối giữa các tỉnh, mà đó còn là những địa chỉ đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực. Có được kết quả này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các ngành, các địa phương đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo xử lý, đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để đẩy mạnh phát triển du lịch. Qua đó cũng cho thấy sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo tỉnh.
Khu du lịch Giồng Nhãn (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.K |
Quyết tâm phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh còn được thể hiện ở chỗ chủ động đăng cai và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật, thể thao cấp quốc gia và khu vực như Festival Đờn ca tài tử quốc gia. Bên cạnh đó còn chủ động đăng cai tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc… để thông qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh Bạc Liêu đến với bè bạn gần xa. Vùng đất ngậm phù sa này vẫn miệt mài dòng chảy tắm tưới cho bao tâm hồn đam mê đờn ca tài tử - loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã trở thành “đặc sản” mời gọi, chào đón du khách. Chính những điểm nhấn như thế, du lịch Bạc Liêu đã thu hút ngày càng nhiều lượt khách đến và lưu trú. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2011 đến nay, doanh thu du lịch đã đạt trên 2.670 tỷ đồng, đón khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong đó khoảng 92.000 lượt khách quốc tế.
“Tổng hòa” các lợi thế và tiềm năng của vùng đất hữu tình giàu văn hóa này, có thể khẳng định rằng: du lịch Bạc Liêu đang cất cánh!
Ngọc Trân
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau