Du lịch
Du lịch ĐBSCL: Xác định lợi thế để liên kết phát triển
Dù được sự quan tâm đặc biệt và có những bước đầu tư về mọi mặt để phát triển theo hướng du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng… song, thực tế cho thấy, du lịch Bạc Liêu nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh vốn có. Hội nghị Xúc tiến đầu tư và liên kết phát triển du lịch Bạc Liêu diễn ra trong chuỗi các hoạt động của Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần I là dịp để Bạc Liêu cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL trao đổi, tìm giải pháp, xác định lợi thế để liên kết phát triển.
Những bước đi đầu tiên
Thời gian gần đây, du lịch ĐBSCL đã có những bước phát triển khá tốt. Tuy nhiên, so với cả nước, ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng vẫn được đánh giá là “vùng trũng” trong lĩnh vực du lịch.
Khu du lịch sinh thái Hồ Nam - điểm thu hút đông đảo du khách khi đến Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ |
Cùng mắc phải hạn chế chung của vùng, nên du lịch Bạc Liêu chưa thể phát huy thế mạnh vốn có. Đứng trước những khó khăn trên, Bạc Liêu đã triển khai nghị quyết với mục tiêu “du lịch - dịch vụ trở thành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương”. Đồng thời, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực du lịch, khai thác các tiềm năng du lịch của địa phương. Tuy nhiên, tất cả còn đang ở giai đoạn sơ khai, phải có những giải pháp để giải quyết các vấn đề như: cơ sở lưu trú vừa thiếu vừa yếu, sản phẩm lưu niệm và tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm chưa đa dạng, chương trình du lịch còn đơn điệu…
Hứa hẹn nhiều triển vọng
Dù đang ở giai đoạn sơ khai, nhưng du lịch ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang có những bước đi thận trọng, chắc chắn trong phát triển du lịch đặc trưng của vùng miền. Du lịch ĐBSCL có được sự hấp dẫn của cảnh quan sinh thái đặc trưng, của vùng sông nước hữu tình, và ở mỗi địa phương đều có nét quyến rũ riêng. Đơn cử như Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ có thế mạnh du lịch sông nước miệt vườn. Còn Đồng Tháp, An Giang là thế mạnh của du lịch sinh thái mùa nước lũ. Ở Kiên Giang thì du lịch biển đảo. Bạc Liêu, An Giang có thế mạnh du lịch tâm linh. Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu thì du lịch sinh thái rừng ngập mặn…
Riêng vùng đất Bạc Liêu, nơi hội tụ 3 dòng văn hóa Kinh - Hoa - Khmer là nền tảng cho sự hình thành nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Hiện Bạc Liêu có hơn 200 di tích, trong đó có hơn 40 di tích được xếp hạng. Mới đây nhất là sự kiện 2 danh mục Trung tâm Triển lãm văn hóa, văn học - nghệ thuật (khối nhà được cách điệu hình 3 chiếc nón lá) và biểu tượng tỉnh Bạc Liêu (cây đờn kìm) đã được công nhận kỷ lục Việt Nam. Chắc chắn, đây không chỉ là điểm hẹn văn hóa, mà còn là điểm tham quan ấn tượng.
Từ những khó khăn của giai đoạn sơ khai cùng những tiềm năng đầy triển vọng, du lịch ĐBSCL đang rất cần một mối liên kết chặt chẽ, thống nhất. Đó là sự kết nối tua, tuyến của các tỉnh, thành trong vùng; xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch không trùng lắp; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước… Qua đó, giúp du lịch ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng từng bước đi lên, phát triển bền vững.
Tuyết Đình
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau