Du lịch
Du lịch - khâu đột phá để Bạc Liêu tăng tốc
Với lợi thế của một tỉnh giàu truyền thống lịch sử và có nền văn hóa độc đáo, Bạc Liêu đã tạo nên một lợi thế cạnh tranh riêng. Đặc biệt là tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Do vậy, Bạc Liêu xem phát triển du lịch là một trong những khâu đột phá chiến lược có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc trải “thảm hoa, chiếu vàng” và cả tấm lòng hiếu khách để mời gọi các nhà đầu tư, xem nhà đầu tư là “ân nhân”, là “người bạn đồng hành”, với khẩu hiệu “cùng chia khó với nhà đầu tư”, hay “cái gì khó dành cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cái gì thuận lợi, dễ dàng dành cho nhà đầu tư”. Rồi ban hành hàng loạt cơ chế chính sách, ưu đãi và cả những chính sách đặc thù chưa từng có để nhà đầu tư được thuận lợi nhất.
Ưu tiên phát triển du lịch
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo. Cụ thể cho sự quan tâm này là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU về đẩy mạnh phát triển du lịch. Theo đó, hàng loạt các nghị quyết, chương trình hành động và tập trung triển khai nhiều dự án xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, văn hóa - nghệ thuật…
Song song đó, tranh thủ, tập trung vốn đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Như việc ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh, với mục đích để TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm dịch vụ - thương mại - du lịch, hoặc khởi công xây dựng nâng cấp, mở rộng tuyến đường Cao Văn Lầu để phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch sinh thái biển. Đồng thời, kết nối với các khu du lịch trọng điểm khác như: khu du lịch Nhà Mát, khu du lịch Phật bà Nam Hải, khu du lịch vườn nhãn và cả tuyến du lịch từ Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) kéo dài đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải)…
Phối cảnh tổng thể cụm nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh: L.D |
Bạc Liêu chọn du lịch làm khâu đột phá nên việc phát triển bền vững, không “phát triển nóng” là giải pháp được lựa chọn ưu tiên. Mặt khác, Bạc Liêu quyết tâm “đi lên từ văn hóa”, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nên việc mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, lựa chọn những mô hình du lịch hay luôn là tôn chỉ hàng đầu. Vì vậy, ở một số dự án dù chưa có điều kiện triển khai, hoặc do điều kiện khách quan phải tạm dừng dự án, nhưng các nhà đầu vẫn hy vọng sẽ tiếp tục đầu tư vào Bạc Liêu, vì lòng hiếu khách và luôn trân trọng các nhà đầu tư của người dân vùng đất này.
Sẽ là điểm đến hấp dẫn
Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án phát triển hạ tầng và du lịch để phục vụ sự kiện Festival đờn ca tài tử vào năm 2014. Trong đó, có dự án tiếp tục trùng tu, cải tạo khu di tích nhà Công tử Bạc Liêu. Hiện nay, dự án này đã giao cho Công ty TNHH thương mại - dịch vụ và du lịch Cẩm Quyên làm chủ đầu tư. Tuy mới tiếp nhận dự án, nhưng Công ty Cẩm Quyên đã tích cực triển khai nhiều công trình, phần việc và tuyển cả nhân viên phục vụ để sớm thi công hoàn thành các hạng mục, nhằm đưa vào phục vụ cuối năm 2013. Theo thiết kế, cùng với việc trùng tu, tôn tạo theo đúng nguyên mẫu, công ty sẽ xây dựng thêm nhiều công trình để kết nối đồng bộ với cụm nhà Công tử theo lối kiến trúc Phục Hưng. Bên cạnh sưu tầm, phục dựng lại các cổ vật, hoa văn trang trí và dụng cụ thời Pháp thuộc, cụm nhà Công tử sẽ có thêm nhiều công trình khác để phục vụ khách tham quan. Cụ thể như nhà để phục vụ du khách “đặc sản” đờn ca tài tử, hay khu sân khấu ngoài trời, khu hồ sen, khu chòi nghỉ bằng kết cấu kèo gỗ, lợp ngói nâu đỏ đặc trưng kiến trúc Nam bộ để du khách nghỉ ngơi, sinh hoạt và vui chơi. Ngoài ra, còn hình thành nên khu hàng gánh bằng việc tái hiện lại cảnh chợ quê để mua bán các loại đặc sản, quà lưu niệm và cả những món ngon đặc sắc của người Bạc Liêu, nơi hội tụ văn hóa ẩm thực độc đáo của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Thậm chí, có cả mô hình du lịch để du khách tận hưởng thú “một ngày làm Công tử Bạc Liêu”. Theo ông Tô Huy Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại - dịch vụ và du lịch Cẩm Quyên: “Với tổng vốn đầu tư cho dự án hơn 70 tỷ đồng, sau khi trùng tu, cải tạo xong khu di tích nhà công tử sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn và góp phần vào việc bảo tồn, phát huy và phát triển du lịch của tỉnh”.
Bên cạnh khu du lịch nhà Công tử Bạc Liêu, nhiều công trình du lịch, hạ tầng trọng điểm khác cũng được tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng như: Khu du lịch biển Nhà Mát, núi Quán âm tại khu du lịch Phật bà Nam Hải, kè sông Bạc Liêu… Đặc biệt, từ khi có chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chọn “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, trong đó có phát triển thế mạnh về du lịch, càng làm sinh động thêm quan điểm chọn du lịch làm khâu đột phá. Đồng thời làm thay đổi nhận thức của nhiều người, nhiều ngành về hướng đi mới và xem văn hóa là động lực cho phát triển.
Phát biểu trên Tạp chí văn nghệ Xuân 2013, Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng cũng phân tích và chỉ ra được hướng đi mới cho một tỉnh thuần nông, hạ tầng thấp kém như Bạc Liêu. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Muốn giàu lên thì kinh tế phải mạnh. Muốn đi lên mà không phát triển kinh tế thì đó là điều không tưởng. Thế nhưng, phải tùy theo đặc điểm riêng mà mỗi địa phương có mỗi cách đi riêng. Bạc Liêu cũng vậy, muốn phát triển đi lên dứt khoát phải phát triển kinh tế. Nhưng muốn phát triển kinh tế phải hội đủ các điều kiện cần và đủ, trong khi ta nghèo, vốn liếng “lận lưng” không có, xa Trung ương, xa các trung tâm kinh tế của quốc gia, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, mời gọi được một nhà đầu tư đến với ta không phải dễ. Như vậy thì, làm thế nào để kinh tế Bạc Liêu phát triển, đó là một câu hỏi khá hóc búa. Nói Bạc Liêu đi lên từ văn hóa là nói về cách đi lên để làm giàu của Bạc Liêu, cách để kinh tế Bạc Liêu phát triển, tuyệt nhiên không có nghĩa là không quan tâm đến phát triển kinh tế. Trái lại, phải rất quan tâm đến phát triển kinh tế. Một nền kinh tế Bạc Liêu mạnh, một Bạc Liêu giàu có chính là mục tiêu phấn đấu của chúng ta. Nói Bạc Liêu đi lên từ văn hóa có nghĩa là chúng ta phải dựa vào văn hóa để tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, một khi kinh tế có hàm lượng văn hóa thì đó mới là nền kinh tế phát triển bền vững”.
Xét về lợi thế cạnh tranh, Bạc Liêu đến nay vẫn còn là một tỉnh nghèo rất cần sự đầu tư. Bạc Liêu đã xác định được hướng đi và lợi thế cạnh tranh của mình. Vì vậy, phải chung tay, góp sức và nỗ lực hết mình, với mục tiêu: biến khó khăn thành động lực và tranh thủ tất cả lợi thế để tạo nên sức bật riêng. Là người con của quê hương Bạc Liêu, chắc ai cũng mong muốn đóng góp một phần cho sự phát triển chung, vì đó vừa là trách nhiệm, nhưng cũng vừa là niềm tự hào của người con xứ sở.
LƯ TRUNG
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau