Du lịch
Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL
Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch cấp vùng
Chương trình hành động về du lịch của Bạc Liêu giai đoạn 2012 - 2015 đã khép lại và cũng mở ra “khung trời mới” đầy lạc quan cho du lịch Bạc Liêu. Khởi sắc và phát triển nhanh, bền vững; hạ tầng du lịch được cải thiện; các dự án văn hóa, du lịch mới được đầu tư xây dựng và hoàn thiện đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đặc sắc thu hút khách du lịch…
Để cánh cửa du lịch Bạc Liêu rộng mở đón du khách hơn nữa, thực hiện được mục tiêu lớn: trở thành trung tâm du lịch cấp vùng, thì giai đoạn mới cũng đang bày ra nhiều nhiệm vụ cấp bách cần thực thi.
Du khách tham quan và nghe thuyết minh về Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: C.T
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp
“Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch của tỉnh theo hướng phát triển bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành trung tâm du lịch cấp vùng”. Nhìn lại những gì mà du lịch Bạc Liêu đã gầy dựng và sở hữu được cho đến thời điểm hiện tại, thì mục tiêu đó hoàn toàn có thể thành hiện thực trong tầm tay và trong tương lai gần! Một minh chứng thuyết phục nhất là Bạc Liêu có đến 8 trong tổng số 33 điểm du lịch tiêu biểu khu vực ĐBSCL, đó là con số “mơ ước” của nhiều địa phương để đưa ngành "công nghiệp không khói" phát triển!
Nhưng có “của để dành” không thôi chưa đủ, mà phải biết cách sử dụng sao cho phát huy giá trị, nói theo cách kinh doanh thì để “của sinh lời”. Chính vì vậy, chương trình hành động về du lịch trong giai đoạn mới đã tiếp tục đề ra rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đồng bộ tiến hành. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch; tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch cần được tăng cường chiều rộng lẫn chiều sâu; đổi mới, tăng cường thể chế, chính sách, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực…; đó được xem là những nhiệm vụ “bản lề” của du lịch Bạc Liêu từ đây đến năm 2020.
Huy động tối đa các nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư và kinh doanh du lịch, đó là bài học kinh nghiệm làm du lịch ở nhiều địa phương, cũng là giải pháp hàng đầu để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh cần dành một nguồn kinh phí thỏa đáng để đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, kinh phí tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và đào tạo nguồn nhân lực; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động quốc gia về du lịch để thực hiện chương trình của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút vốn đầu tư vào các khu, điểm du lịch; thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ và thường xuyên của các ngành, các cấp trong tham gia quản lý và phát triển du lịch…
Cần chú trọng tâm điểm
Đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, thế nhưng thiết nghĩ, tỉnh cần chú trọng vào tâm điểm để Bạc Liêu sớm trở thành trung tâm du lịch cấp vùng. Việc đầu tiên là phát huy giá trị của 8 điểm đến đã được “cấp chứng nhận” điểm du lịch tiêu biểu khu vực ĐBSCL. Trong 8 điểm đến này, có đến 7 điểm nằm trên địa bàn TP. Bạc Liêu, gồm: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, khu Quán âm Phật đài, khu biển nhân tạo, Nhà hàng - khách sạn Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương (cùng với khu di tích Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Nhìn vào 7 điểm du lịch trên, gần như bao quát những hình thức du lịch: văn hóa, tín ngưỡng, sinh thái, nghỉ dưỡng… Tiềm năng đã có, làm sao xây dựng được những tua - tuyến để khách du lịch đến Bạc Liêu được thưởng lãm vẻ đẹp của thiên nhiên hữu tình; được thẩm thấu những làn điệu đờn ca đậm chất tài tử Nam bộ để yêu hơn loại hình nghệ thuật đã được xếp vào hàng di sản văn hóa của nhân loại; được tham quan chiêm bái trong an toàn, trật tự, vệ sinh và văn minh; được tìm hiểu về những giai thoại làm nên danh tiếng Bạc Liêu gần xa đều biết; được nghỉ dưỡng ở nơi xứng đáng để tiêu tiền... Chỉ làm được những điều kể trên khi chúng ta nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch ở những điểm đến này, để du khách đến một lần sẽ muốn quay trở lại và giới thiệu cho nhiều người cùng đến.
Nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam trong một chuyến về Bạc Liêu đã nhận định: “Bạc Liêu phát triển quá nhanh như một gương mặt sáng của ĐBSCL. Ánh sáng văn hóa từ những công trình văn hóa làm nên gương mặt Bạc Liêu, sự thay đổi ấy làm chúng tôi cảm thấy xúc động! Bạc Liêu sẽ dần trở thành trung tâm văn hóa của ĐBSCL”. Như vậy, phát huy những lợi thế đã có, từ những điểm đến được xác nhận về giá trị du lịch cho đến diện mạo văn hóa được bè bạn tôn vinh, tin rằng trung tâm du lịch vùng sẽ là mục tiêu trong tầm tay của chương trình hành động về du lịch giai đoạn 2016 - 2020, một mục tiêu mới bắt đầu nhưng cần được chắp cánh!
Cẩm Thúy
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau