Du lịch

Huyện Đông Hải: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Thứ Sáu, 01/09/2023 | 16:59

Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, có một số quốc gia có nguồn thu và tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động địa phương từ việc phát triển du lịch.

Nghề làm muối ở huyện Đông Hải được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

GIÀU TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH

Thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy khóa XII về “tăng cường chỉ đạo phát triển du lịch đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Kế hoạch 52 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, huyện Đông Hải đã tổ chức triển khai, quán triệt và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia.

So với các địa phương khác, Đông Hải giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển mạnh nhiều loại hình du lịch, cùng với điều kiện tự nhiên ưu ái giúp huyện tạo ra năng lực cạnh tranh về phát triển kinh tế biển và du lịch văn hóa biển. Cụ thể như tuyến lộ vành đai ven biển nối dài từ Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu) đến thị trấn Gành Hào. Hiện tuyến giao thông này đang được đầu tư mở rộng, tạo ra khả năng kết nối các địa phương có lợi thế về du lịch biển.

Bên cạnh đó, Đông Hải còn có bờ biển dài 23km, có 2 cửa sông lớn là cửa sông Gành Hào và cửa sông Cái Cùng thông ra biển Đông; có 2.140ha rừng phòng hộ ven biển và 3 nhà máy điện gió cùng cánh đồng muối trên 2.000ha đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, huyện còn có kè chống sạt lở ven sông và cửa biển Gành Hào bao quanh khu đô thị Gành Hào, hứa hẹn là điểm du lịch sinh thái tiềm năng và rất lý tưởng.  

Không chỉ thế, Đông Hải còn có 3 di tích giàu ý nghĩa về lịch sử và văn hóa như: Di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu ở ấp Rạch Rắn (xã Long Điền), được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích cấp quốc gia; Di tích Đền thờ Bác Hồ ở ấp Cây Giang A (xã Long Điền) và Di tích Đình Nguyễn Trung Trực (xã An Trạch A) được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, Đông Hải còn được biết đến với nhiều lễ hội thu hút du khách về đây tham quan như: Lễ hội Nghinh Ông truyền thống của ngư dân trong vùng được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 (âm lịch) hằng năm; có nhà trưng bày các loài thủy sản và bộ da cá Ông dài 10m đạt kỷ lục Guinness Việt Nam đang trưng bày phục vụ du khách tại Lăng Ông Nam Hải thị trấn Gành Hào.

Ngoài ra, Đông Hải còn có khu vườn chim tự nhiên với diện tích khoảng 17ha ở ấp Lập Điền (xã Long Điền Tây), quy tụ nhiều loại chim khác nhau, trong đó có một số loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ. Cùng với đó, địa phương này còn được biết đến với nghề khai thác, đánh bắt hải sản lớn nhất tỉnh với đội tàu hơn 550 chiếc. Nguồn lợi về thủy hải sản nơi đây khá phong phú với nhiều loài thủy sản tươi sống, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: cháo hàu, cá dứa kho tộ, cá lù đù một nắng, cá đỏ dạ chiên giòn, cá đuối hấp hành, cá đối kho lạt chấm rau muống đỏ bóp nhâm, lẩu đầu cá… Đây là những ưu thế tạo nên những điểm nhấn ấn tượng để Đông Hải phát triển mạnh về du lịch trong thời gian tới. 

Để phát triển du lịch, thời gian qua huyện đã quan tâm đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng các cơ sở du lịch hiện có và triển khai mới các dự án về du lịch, nhất là các dự án về lưu trú, lữ hành, thương mại, vận tải; phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch cấp vùng và khuyến khích phát triển, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao phục vụ du khách gắn với tăng cường công tác bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, huyện tập trung quản lý, khai thác, tổ chức tốt các dịch vụ du lịch gắn với truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương như: Di tích lịch sử Khu Căn cứ Huyện ủy Giá Rai (ấp 2, xã Long Điền Đông A), chùa Liên Hoa (xã An Trạch), chùa Long Phước (xã Long Điền), Hắc Long Môn (xã Định Thành)…

Quảng bá sản phẩm OCOP của huyện Đông Hải phục vụ khách du lịch năm 2023. Ảnh: L.D

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG

Thực tế cho thấy, du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, cơ sở vật chất hạ tầng, mà còn góp phần quan trọng vào việc hợp tác, bảo tồn, giao lưu và quảng bá văn hóa. Trong bối cảnh đó, Bạc Liêu đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, để đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện và phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh, huyện Đông Hải sẽ chú trọng khai thác nguồn tài nguyên một cách hợp lý để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài. Khai thác hoạt động du lịch dựa trên nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế gắn với khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ở mức vừa đủ, có bảo tồn và tránh sự khai thác một cách quá mức. Trân trọng tính đa dạng của thiên nhiên, xã hội, môi trường, duy trì bảo tồn sự đa dạng. Giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch, ngăn ngừa sự thay thế các ngành nghề truyền thống lâu đời bằng các ngành nghề hiện đại. Chú trọng phát triển du lịch trong khuôn khổ chiến lược của tỉnh, vùng, địa phương về kinh tế - xã hội phải phù hợp với địa phương, phù hợp với quy hoạch bền vững và lâu dài. Phát huy vai trò của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch… Đó là nhân tố đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững và tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển nhanh.

Mặt khác, Đông Hải sẽ đẩy mạnh công tác tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành Du lịch và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Quan tâm thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học ngành Du lịch để xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đào tạo và thực hiện hoạt động phát triển du lịch…

Huyện Đông Hải hiện đang tiếp tục thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại Nghề làm khô ấp 1 (thị trấn Gành Hào) và khai thác Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tích cực đẩy mạnh mô hình trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất, thu hoạch và mua sắm các sản phẩm, quà du lịch được chế biến từ muối, cá khô và các sản phẩm từ biển sẽ được nghiên cứu triển khai phục vụ phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Song song đó, UBND huyện đã phối hợp xây dựng và duy trì chuyên mục quảng bá du lịch trên Đài PT-TH Bạc Liêu, Báo Bạc Liêu và các phương tiện truyền thông khác gắn với tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa, phong tục, tập quán của người dân Đông Hải…

TRƯƠNG QUỐC LÂM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.