Du lịch

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu: “Kho tàng” nghệ thuật cải lương Nam bộ ở Bạc Liêu

Thứ Tư, 08/02/2012 | 15:55

LTS: Năm 2012, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định chính là tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch. Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, kể từ số này, Báo Bạc Liêu sẽ mở chuyên mục “Góc du lịch” giới thiệu về những địa điểm, tiềm năng du lịch của Bạc Liêu để những độc giả gần xa hiểu thêm về địa danh, vùng đất, con người Bạc Liêu; những điểm đến hấp dẫn để du khách tìm về…

Được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 1997, đến năm 2008, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu được tỉnh trùng tu và mở rộng với tổng số vốn đầu tư lên đến 6,3 tỷ đồng. Trên diện tích gần 2.800m2, khu lưu niệm được xây dựng nhiều hạng mục như cổng tam quan, nhà bao che khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh các nhạc sĩ và quá trình phát triển của bản Dạ cổ hoài lang (DCHL), bản vọng cổ và nghệ thuật cải lương Nam bộ; sân khấu ngoài trời và nhà đón khách…

Du khách tham quan phòng trưng bày tài liệu, hiện vật, hình ảnh trong khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: Q.H

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tên tuổi ông đã làm rạng danh Bạc Liêu từ mấy mươi năm qua và cho đến hôm nay, đứng trước khu lưu niệm của ông mới cảm nhận được hết tấm lòng tri ân của lớp người hậu thế! Đó là bức tượng bán thân của nhạc sĩ được trịnh trọng đặt ngay chính diện nhà trưng bày, hai bên là bản nhạc và lời bài ca DCHL, một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt tiêu biểu của Bạc Liêu, góp phần vào kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của cả dân tộc Việt Nam. Với 4 chủ đề tại nhà trưng bày sẽ làm rõ thêm những đóng góp vô giá của nhiều thế hệ nghệ sĩ trên lĩnh vực sân khấu cải lương - từ những bậc thầy của nhạc sĩ Cao Văn Lầu như Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu, những người bạn đồng môn của ông; cho đến những thế hệ tiếp nối con đường sáng tạo nghệ thuật sau này như Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Mộng Vân, Trần Tấn Hưng, Viễn Châu… Ở chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản DCHL” còn có những hình ảnh hội thảo tìm hiểu về cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và giá trị bản DCHL, con đường, rạp hát, đoàn cải lương, hội thi giọng ca cải lương mang tên Cao Văn Lầu…

Với “kho tàng nghệ thuật cải lương Nam bộ” này, Bạc Liêu không chỉ tự hào là quê hương của bản DCHL, mà còn vô cùng tự hào khi nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tài ba làm rạng danh Bạc Liêu, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa - nghệ thuật. Đó là nghệ nhân Hai Thơm, người nổi danh về tài chơi vĩ cầm hay trong làng cổ nhạc, đồng thời cũng là người Bạc Liêu đầu tiên sử dụng vĩ cầm để đờn các bài cổ nhạc và ĐCTT; ông Thái Đắc Hàng, người sáng tạo ra điệu nói thơ Bạc Liêu; Nghệ sĩ ưu tú Ánh Hồng - người con Bạc Liêu thành danh trên đất Sài Gòn khi đoạt HCV Giải Thanh Tâm khi mới 17 tuổi (năm 1962); Nghệ sĩ Trọng Nguyễn với hàng trăm bài vọng cổ được cả nước biết đến; Nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc, con trai của nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, đoạt HCV Giải Thanh Tâm (năm 1967), người được xem là đệ nhất danh hài của sân khấu cải lương…

Đến với khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mọi người sẽ hiểu sâu sắc hơn về bản DCHL và người “cha đẻ” của nó, cũng như con đường để DCHL tiến tới tinh hoa nghệ thuật như hôm nay. Với khu lưu niệm này, Bạc Liêu tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sinh ra và nuôi nấng những lớp nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.