Du lịch
Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và Bạc Liêu: Cần tạo sản phẩm đặc trưng chung
Trong 5 năm qua, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (gồm 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ và gần đây nhất là sự tham gia của Bạc Liêu), các tỉnh đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao để cùng hợp tác phát triển. Sự chuyển biến trong ngành Du lịch với những kế hoạch, đề án dài hơi ở từng tỉnh, thành phố là minh chứng. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm là sự liên kết hợp tác này vẫn chưa tạo được đầu ra hiệu quả cho sản phẩm du lịch đặc trưng “Một điểm đến bốn địa phương +”.
Ông Phạm Phước Như, Chủ tịch danh dự Hội Liên hiệp Du lịch ĐBSCL đánh giá cao Chương trình hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và Bạc Liêu. Tuy nhiên, việc xúc tiến, quảng bá du lịch ở các địa phương vẫn còn chậm. Vì vậy, trong thời gian tới các tỉnh thành nên tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng chung của từng địa phương, đặc biệt tập trung xây dựng tua du lịch “Một điểm đến bốn địa phương +” để tạo sức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Hợp tác cùng phát triển
Từ sự hợp tác, liên kết vì mục tiêu phát triển ngành “công nghiệp không khói”, sau gần 5 năm hoạt động, Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa 4 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và tỉnh Bạc Liêu bước đầu đã có những kết quả khả quan. Các tỉnh thành đã lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 (riêng TP. Cần Thơ đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch). Trong xây dựng quy hoạch, các địa phương luôn bám sát Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời có tham khảo quy hoạch của các tỉnh, thành bạn để tránh trùng lắp và tạo sự khác biệt riêng của mỗi tỉnh; quan trọng là tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Ngoài ra, việc thường xuyên phối hợp trong công tác đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng người lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; chủ động giới thiệu và trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tổ chức khai thác tiềm năng du lịch của từng địa phương, cụm liên kết đã tạo những bước chuyển khá khả quan cho ngành Du lịch ở từng địa bàn.
Đặc biệt, với vai trò cụm trưởng năm 2014, Sở VH-TT&DL Bạc Liêu đã tổ chức họp mặt các Sở VH-TT&DL cùng các công ty du lịch đầu mối của các tỉnh để bàn biện pháp sắp xếp, xây dựng lại tua du lịch đặc trưng “Một điểm đến bốn địa phương +”, đồng thời chỉ đạo Công ty Cổ phần du lịch Bạc Liêu làm đầu mối phối hợp với công ty du lịch của các tỉnh xây dựng lại tua du lịch đặc trưng vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL “Một điểm đến bốn địa phương +” với giá cả, thời gian hợp lý và phù hợp với từng đối tượng khách du lịch…
Khu bãi tắm nhân tạo Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) - một điểm đến hấp dẫn của tua “Một điểm đến bốn địa phương +”. Ảnh: C.K |
Tại hội nghị sơ kết thực hiện chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và Bạc Liêu năm 2014 tổ chức tại TP. Cần Thơ mới đây, vấn đề khó khăn nhất được đề cập đến chính là vùng liên kết chưa có sản phẩm đặc trưng thu hút du khách. Mặc dù ĐBSCL phong phú các loại hình du lịch như miệt vườn, biển đảo, lễ hội… nhưng sản phẩm du lịch “Một điểm đến bốn địa phương +” đến nay vẫn chưa có đầu ra. Theo các công ty du lịch lữ hành thì nguyên nhân là do thời gian tua kéo dài; giá còn cao, chưa phù hợp với nhu cầu thị trường; sự trùng lắp về sản phẩm du lịch ở mỗi điểm đến, nên chưa tạo được dấu ấn riêng cho từng địa phương khi du khách tham quan… Từ đó, tuy phong phú nhưng sản phẩm đặc trưng của “Một điểm đến bốn địa phương +” vẫn chưa tạo được sức hút và thỏa mãn nhu cầu khám phá của du khách khi họ cứ bắt gặp sự na ná trong toàn tua tham quan. Việc phối hợp tổ chức chương trình roadshow (biểu diễn lưu động) để giới thiệu tiềm năng, hình ảnh, điểm đến của 5 địa phương thời gian qua chưa được quan tâm trong khi việc tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để giới thiệu sản phẩm, tua - tuyến du lịch là mấu chốt để ngành phát triển.
Phối hợp chặt chẽ trong quy hoạch, xây dựng sản phẩm du lịch của từng địa phương trên cơ sở tổng thể cả vùng, tránh trùng lắp và để tạo sự khác biệt gây hấp dẫn du khách; đặc biệt, tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá lại sản phẩm du lịch đặc trưng “Một điểm đến bốn địa phương +” để có kế hoạch tiếp tục duy trì và phát huy sản phẩm này trong kết nối tua - tuyến du lịch, đồng thời bổ sung sản phẩm mới để có sức thu hút khách hơn… đó không chỉ là mục tiêu, mà nên được đặt là kim chỉ nam để khối liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 5 tỉnh, thành đạt được những kết quả như mong muốn. Thiết nghĩ, các tỉnh phải cùng ngồi lại, bàn bạc, mạnh dạn tách những “chi tiết” trùng lắp, rồi liên kết thành những tua du lịch chuyên đề có nội dung và thời gian phù hợp với từng đối tượng du khách, như vậy khi đưa vào khai thác, sản phẩm đặc trưng “Một điểm đến bốn địa phương +” mới thật sự có được đặc trưng riêng để thu hút khách tham quan…
QUỲNH ANH
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau