Du lịch
Tạo nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn
Với điều kiện tự nhiên và sinh thái đặc thù, Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch nông thôn (DLNT). Vấn đề đặt ra ở đây chính là xây dựng và hình thành nên những mô hình du lịch hấp dẫn gắn với liên kết vùng, nhất là du lịch đường sông (DLĐS) trong điều kiện hạ tầng đường bộ và khả năng kết nối của Bạc Liêu với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không nhiều.
Du khách thích thú trước các món ngon từ chợ nổi gắn với tuyến du lịch miệt vườn vùng sông nước Cửu Long.
HỘI TỤ NHIỀU TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH
Thực hiện Quyết định 922 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển DLNT trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch 97 về thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh. Từ cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của địa phương, tỉnh tập trung khai thác những đặc trưng về văn hóa, cảnh quan khu vực nông thôn, hình thành các sản phẩm DLNT hấp dẫn để du khách tham quan, trải nghiệm và bước đầu hình thành nên các không gian có thể phát triển thành các mô hình sản phẩm DLNT. Cụ thể, một số địa phương như: Hồng Dân, Phước Long, TX. Giá Rai đã phát huy lợi thế hệ thống sông ngòi, kênh rạch có những nét độc đáo riêng về cảnh quan, môi trường sinh thái trên địa bàn để hình thành các sản phẩm du lịch sông nước hấp dẫn với điểm đến là các làng quê gắn kết với các điểm du lịch làng nghề truyền thống như: đan đát, nghề rèn, dệt chiếu…
Cùng với đó, tổ chức các dịch vụ tham quan, trình diễn nghề thủ công, bán hàng lưu niệm, tìm hiểu về nghề truyền thống và văn hóa truyền thống của tỉnh. Đây là những sản phẩm du lịch cho du khách các trải nghiệm độc đáo, kết hợp với ẩm thực truyền thống của địa phương gắn với mô hình “một ngày làm nông dân” để du khách tự trải nghiệm qua việc bắt tôm, chài cá và tham gia nấu các món ăn đặc sản đặc trưng. Ngoài ra, du khách có thể tham quan các di tích chùa Khmer gắn liền với hoạt động đua ghe Ngo của đồng bào Khmer, hay tham quan các di tích lịch sử - văn hóa gắn với vùng đất, con người Bạc Liêu và thưởng thức đờn ca tài tử…
Du khách thưởng thức món ngon tại Khu du lịch sinh thái Cánh đồng Cậu Ba (huyện Vĩnh Lợi) với nhiều đặc sản đồng quê.
Đặc biệt, DLNT còn gắn với các ngành nghề truyền thống vốn là thế mạnh của Bạc Liêu, như nghề sản xuất muối ở hai huyện Hòa Bình và Đông Hải. Các ngành, địa phương đã tích cực vận động các nguồn lực từ các doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch như: nhà hàng, khách sạn, sản phẩm lưu niệm, phương tiện vận chuyển du khách, đường giao thông... Mặt khác, Bạc Liêu còn hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng nông - thủy sản và sản phẩm OCOP của tỉnh trong các hoạt động du lịch.
Song song đó, các mô hình du lịch sinh thái biển, rừng ngập mặn kết hợp với trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân cũng là xu thế của du lịch cộng đồng hiện nay. Điển hình như Hợp tác xã Đồng Tiến (huyện Hòa Bình) cho du khách đi tàu ra biển tham quan cảnh đẹp của điện gió, trải nghiệm bắt nghêu trên bãi biển và thưởng thức các loại hải sản tươi sống. Đây là sản phẩm DLNT rất đặc trưng của tỉnh, kết hợp tua, tuyến để tạo nên sản phẩm du lịch biển độc đáo. Đồng thời, kết hợp với các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang xây dựng cụm du lịch rừng ngập mặn của khu vực Bán đảo Cà Mau…
Tất cả những mô hình và cách làm trên đã tạo nên tiền đề quan trọng cho phát triển DLNT. Tuy nhiên, việc phát triển DLNT còn mang tính tự phát, thiếu định hướng chiến lược và xây dựng nên những mô hình có tính hấp dẫn, bền vững, nhất là các mô hình DLNT của Bạc Liêu và các tỉnh ĐBSCL gần như giống nhau nên chưa tạo được sức hút, khơi dậy ham muốn khám phá, trải nghiệm và tận tưởng các cảm giác mới - vốn là nhu cầu phải có của một sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, các sản phẩm DLNT của Bạc Liêu chưa hình thành nên các chuỗi giá trị sản phẩm, việc đầu tư khai thác chưa đồng bộ, chưa có sự liên kết giữa nông dân và DN, hệ thống sản phẩm du lịch vùng nông thôn còn đơn điệu, các dịch vụ phục vụ khách du lịch chưa được đầu tư xây dựng đúng mức. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình, các loại hình vui chơi - giải trí hầu như chưa được phát triển tại khu vực nông thôn nên chưa thu hút được DN đầu tư các sản phẩm du lịch.
Điều đáng quan tâm nữa chính là DLNT của tỉnh còn phải đối mặt với một số khó khăn, bất cập. Đó là một số điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng. Cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa trở thành động lực để phát triển một ngành Du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế vừa mang giá trị xã hội…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Ngô Vũ Thăng: Phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp và có hiệu quả hơn
Để DLNT Bạc Liêu phát triển nhanh, xứng tầm và bền vững, cần sự chung tay, góp sức của các chuyên gia đầu ngành, những DN đầu tư, thực hiện các dịch vụ du lịch, sự quyết tâm của người dân tham gia, đặc biệt là sự chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục có những định hướng hình thành các không gian để phát triển sản phẩm du lịch khu vực nông nghiệp như: khai thác các giá trị văn hóa, các phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa để thu hút khách. Đặc biệt là việc phối hợp với các ngành có liên quan duy trì và hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mang tính đặc trưng của quê hương Bạc Liêu như: Làng nghề đan đát ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long); làng nghề mộc, nghề dệt chiếu, nghề đan đát (huyện Hồng Dân), nghề làm muối (huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình)..., góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và dịch vụ du lịch…
Bên cạnh đó, ngành chức năng sẽ làm việc với một số địa phương triển khai xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nhà vườn trên địa bàn các huyện: Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi, Hòa Bình và TX. Giá Rai theo các tuyến lộ hoàn chỉnh để khai thác các tập quán canh tác nông nghiệp của người dân nhằm phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, phát huy được lợi thế các sản phẩm nông nghiệp của người dân gắn liền với phát triển du lịch khu vực nông thôn và DLĐS.
Cùng với đó, tiếp tục kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Tuyến du lịch sinh thái ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải); kêu gọi đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải); vườn chim xã Phong Thạnh Tây, điểm dịch vụ du lịch Tắc Sậy (TX. Giá Rai); tuyến du lịch sinh thái đường sông Bạc Liêu - Vàm Lẽo; tuyến đường sông Hộ Phòng - Gành Hào và khai thác các tuyến đường sông các huyện Hồng Dân, Phước Long…
Mặt khác, sẽ tổ chức cho nông dân có điều kiện và tâm huyết làm du lịch tham gia các đợt học tập kinh nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp đã hoạt động hiệu quả ở các địa phương có loại hình du lịch nông nghiệp phát triển. Đồng thời, có kế hoạch tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp song song với công tác đào tạo cho nông dân phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả hơn. Đẩy mạnh hoạt động du lịch nông nghiệp gắn liền với các hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc trưng của địa phương và chế biến thành sản phẩm phục vụ du lịch độc đáo; giữ gìn, phát huy thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm du lịch, nâng cao vai trò của các địa phương, mỗi người dân và các DN để gắn phát triển du lịch với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, nhằm mang lại giá trị kinh tế bền vững cho người dân. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho các chương trình DLNT được xây dựng trên cơ sở khai thác và phát triển bền vững tài nguyên, kết hợp phát triển du lịch với phát triển nông thôn.
Ngoài ra, sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ người dân trong việc mời gọi các DN lữ hành tham gia khảo sát và tổ chức kết nối tua, tuyến các mô hình DLNT, các sản phẩm nông nghiệp, tư vấn, đào tạo cho người dân trong kỹ năng giao tiếp, phục vụ, hướng tới xây dựng các mô hình DLNT có tính khả thi cao và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế này.
………………………………………………………......................................................................................................................................................
KHAI THÁC THẾ MẠNH TỪ DLĐS
Để phát triển mạnh DLNT, ngoài giải pháp giải quyết các khó khăn và bất cập đã nêu thì thiết nghĩ Bạc Liêu nên cần nghiên cứu phát triển mô hình du lịch sông nước hay DLĐS. Trên thực tế, tất cả các khu và điểm du lịch trọng điểm của tỉnh gần như tập trung trên địa bàn TP. Bạc Liêu, trong khi thành phố này được ví như “ốc đảo” vì không liên kết được với các tuyến giao thông trọng điểm của vùng. Do vậy, có thể xây dựng các tua DLĐS để thu hút khách du lịch gắn với những mô hình đột phá và cả những giải pháp căn cơ trong điều kiện các tuyến DLĐS từ TP. Hồ Chí Minh kết nối đến các tỉnh ĐBSCL đã được hình thành. Song, điều đáng bàn hiện nay chính là xây dựng quy hoạch và gắn kết các tỉnh khu vực ĐBSCL lại với nhau trong việc kết nối các tuyến sông và xây dựng các trạm dừng chân hay các điểm du lịch trên tuyến này.
Theo ông Trần Tường Huy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội: “Với 28.000km đường thủy là cơ sở quan trọng xây dựng, phát triển các tuyến giao thông rộng khắp ĐBSCL. Đây cũng là điều kiện để phát triển DLĐS và tận dụng, khai thác tốt lợi thế vùng sông nước cho phát triển du lịch”.
Theo các nhà quản lý và kinh doanh du lịch, để hình thành và phát triển DLĐS thì cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như: bến bãi, cầu cảng, hạ tầng giao thông kết nối các điểm tham quan và cơ sở vật chất phục vụ DLĐS. Trong đó, có cơ sở lưu trú theo mô hình homestay, điểm tham quan, mua sắm và thưởng thức đặc sản. Đầu tư đóng mới các phương tiện vận chuyển có tải trọng an toàn, phù hợp với điều kiện sông nước của vùng ĐBSCL. Đồng thời, phải tạo ra được sản phẩm DLĐS thật sự hấp dẫn, mang bản sắc và đặc trưng riêng, nhất là tránh trùng lắp và “na ná” nhau (như nơi nào cũng ăn bánh xèo, cá nướng trui hay nghe đờn ca tài tử…). Đặc biệt, phải phát huy cho được vai trò chủ thể và tính cộng đồng gắn với khai thác cảnh quan, văn hóa sông nước và dịch vụ DLĐS. Tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị và quan trọng hơn chính là xây dựng nên những câu chuyện, giai thoại gắn liền với DLĐS, nhằm khơi dậy cảm giác thích thú, trải nghiệm và tận hưởng văn hóa cho du khách.
Với việc đẩy mạnh khai thác DLĐS, chắc chắn sẽ tạo nên những cơ hội cho du lịch Bạc Liêu phát triển, không dừng ở con số doanh thu du lịch đạt 4.200 tỷ đồng và đón tiếp gần 5,1 triệu lượt khách như năm 2024.
Mô hình du lịch thử nghiệm thưởng thức món ngon và nghe đờn ca tài tử trên tuyến sông ngã ba Cái Tàu của huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu kết nối với tỉnh Kiên Giang).
Để khuyến khích DN, các nhà đầu tư vào phát triển DLNT, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ nâng cấp, đầu tư phát triển điểm DLNT và sản phẩm DLNT mang đặc trưng vùng miền. Thực hiện mô hình thí điểm phát triển DLNT theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững theo quyết định được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt là chỉ đạo ngành chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện đầu tư dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rừng và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước tạo nguồn lực cho việc phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ rừng theo hướng bền vững…
KIM TRUNG