Du lịch
Tọa đàm sưu tầm hiện vật, đồ vật phục vụ phát triển du lịch nhà Công tử Bạc Liêu: Phục dựng một bức tranh khá đầy đủ về nhà Công tử Bạc liêu
LTS: Sở VH-TT&DL vừa phối hợp với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Saigontourist) tổ chức tọa đàm sưu tầm hiện vật, đồ vật phục vụ phát triển du lịch nhà Công tử Bạc Liêu (CTBL). Những ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm chính là cơ sở giúp cơ quan chủ trì biết được những hiện vật, đồ vật và những địa chỉ sưu tầm phục vụ việc tái hiện, trang trí nội thất nhà CTBL đúng với hiện trạng lịch sử… Báo Bạc Liêu xin trích đăng vài ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: C.T |
Nên căn cứ vào lời kể của nhân chứng lịch sử để phục chế lại đồ vật trong nhà CTBL
…Thời kháng chiến, tôi công tác trong Ủy ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Lợi, cũng đồng thời nằm trong ban vận động hiến điền, hội đồng cấp đất nên xung quanh vấn đề nhà CTBL tôi cũng được biết đôi điều. Gia đình CTBL không phải là địa chủ đơn thuần mà “lai” tư sản. Vừa là chủ điền lớn lại có 1 nhà máy Hậu Giang lớn nhất ĐBSCL, nhà CTBL chà lúa vừa xuất khẩu vừa bán cho các tỉnh…
Về nhà CTBL, sau khi giải phóng thì không phải do thị xã quản lý mà do các ngành tỉnh quản lý. Tôi nghe con cháu nói lại thì trong nhà có những vật dụng sang như giường đồng, đồ mắc quần áo bằng cây mây tàu sơn mun đen, ghế rửa mặt có chạm trổ, phía trên có thau tráng men rất đẹp. Lúc là Thị ủy viên, về cơ quan này tôi thấy có một bộ bàn ghế bằng cẩm thạch, gỗ mun đen chạm ốc, gọi là bộ tràng kỷ, hỏi ra thì được biết là của nhà Trần Trinh Trạch. Bộ này có 2 cái ghế dài (gọi là ghế tràng kỷ), 1 cái bàn lớn bằng cẩm thạch trang trí bông hoa rất đẹp, cẩn ốc, bàn ngồi có 3 miếng cẩm thạch, chỗ dựa cũng có hoa văn rất đẹp. Sau này, tôi không biết bán đổi sao đó nhưng đã thất lạc…
Theo tôi, nên căn cứ vào lời kể lại của những nhân chứng lịch sử nói về những đồ vật trong nhà ông Trần Trinh Trạch, dựa vào đó phục chế lại các món này để trưng bày trong khách sạn CTBL thay vì đi tìm thì rất lâu…
* Bà Dương Thị Phủ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy Bạc Liêu:
Nên tìm đến những người biết và hiểu về nhà CTBL
Tôi xin giới thiệu những người biết và hiểu về nhà CTBL nhiều để chủ đầu tư có điều kiện tìm hiểu. Đó là bà Phan Thị Vân, ông Phan Văn Khánh là con của ông Phan Kim Cân (Phan Kim Cân là con rể thứ sáu của ông Trần Trinh Trạch, chồng của cô Sáu Đông). Người thứ hai là chị Phan Thị Nguyệt, là người ở nhà ông Trần Trinh Trạch từ năm 1970 đến khi tiếp thu 1975. Chị Phan Thị Nguyệt là vợ của Đại tá Trần Đắc Tín, con chị Nguyệt là Trần Đắc Anh, Trần Nguyệt Thu cũng ở tại nhà Trần Trinh Trạch khá lâu nên cũng biết về nhà CTBL. Chị Nguyệt hiện đã 81 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Tôi đã gặp chị nhiều lần, qua đó được biết chị hiểu biết nhiều về những đồ vật, cũng như cách trang trí trong nhà CTBL…
* Ông Huỳnh Văn Đảm, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu:
Nhiều đồ vật đã bị mua bán ra bên ngoài
Tên CTBL không riêng ở khu vực Nam bộ mà lan rộng đến miền Bắc. Về việc gia đình CTBL tham gia kháng chiến, trước đây, tôi có nghe đồng chí Hai Sớm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu) nói ông Phan Kim Cân (con rể CTBL) là cầu nối giữa CTBL với cách mạng.
Về những hiện vật trong nhà CTBL, theo tôi biết có một số đồ vật trong nhà CTBL đã bị mua bán, trao đổi ra bên ngoài. Em tôi có mua 1 cái tủ quần áo phía trong dày khoảng 3cm gỗ rất tốt, có thể xem như là đồ cổ. Theo tôi biết thì đây là vật dụng của nhà CTBL. Ngoài ra, còn một cái giường ngủ nữa, theo tôi biết, cũng của nhà CTBL do em tôi mua lại…
* Ông Vương Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Saigontourist:
Sẽ làm hết sức mình để có một khuôn viên nhà CTBL mang tính văn hóa cao
Buổi tọa đàm đã cho phía công ty chúng tôi một bức tranh tổng thể về nhà CTBL. Trên cơ sở này, chúng tôi sẽ tìm kiếm, mua lại, phục chế để phục vụ công tác bảo tồn, bảo tàng nhà CTBL trên nền tảng nâng cao thương hiệu đã được cả nước biết đến. Trên cơ sở thông tin tư liệu này, Saigontourist sẽ có thêm địa chỉ, tư liệu để làm sao biến nhà CTBL thành một bảo tàng thu nhỏ phục vụ du khách tham quan tốt nhất, giữ gìn thương hiệu CTBL để du khách đến tham quan, tìm hiểu cội nguồn lịch sử về CTBL, chúng tôi sẽ phục dựng một bức tranh khá đầy đủ về nhà CTBL. Sau 8 tháng, kể từ khi Saigontourist đầu tư vào khu nhà CTBL để phát triển du lịch, chúng tôi đã cử cán bộ nghiên cứu về nhà CTBL để có tư liệu đầy đủ nhất, chúng tôi cũng xác nhận là thông tin về CTBL rất tản mạn, không có tính khái quát và khó tìm kiếm…
Nhận sứ mệnh lịch sử là “phục hồi” toàn bộ nhà CTBL, nếp sinh hoạt của nhà CTBL, vì vậy chúng tôi sẽ có gắng sưu tầm những vật dụng, thông tin, địa chỉ… để nâng cao giá trị thương hiệu nhà CTBL. Tên tuổi của CTBL đã vượt ra phạm vi cả nước, chúng tôi trăn trở rất nhiều trong việc thực hiện sứ mệnh nâng thương hiệu CTBL ở tầm cỡ cao hơn, giúp tỉnh nhà nâng cao thêm giá trị một góc cạnh văn hóa phục vụ du lịch… Vấn đề là nâng giá trị CTBL ở mức độ nào cho phép, không chỉ là tập trung ở chỗ ăn chơi, mà phải làm nổi bật giá trị CTBL ở góc độ sang trọng, thể hiện một góc độ văn hóa của tỉnh nhà. Sàng lọc để tìm ra giá trị cốt lõi của CTBL, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để có một khuôn viên nhà CTBL mang tính văn hóa cao, mang tính hội nhập để những du khách trong và ngoài nước biết thêm và tìm về nhà CTBL nhiều hơn.
C.T (lược ghi)
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024