Du lịch
Xây dựng sản phẩm du lịch Bạc Liêu
Dạo quanh những khu du lịch ở Bạc Liêu, dễ dàng trông thấy hình ảnh các quầy bán hàng lưu niệm nằm san sát bên nhau với nhiều mặt hàng mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, để tìm được mặt hàng mang “thương hiệu” Bạc Liêu thì rất khó. Bởi hàng lưu niệm được bày bán hầu hết được nhập từ nơi khác về. Chính vì thế, đi tìm và định hình cho sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Bạc Liêu là vấn đề đang được đặt ra…
Đi tìm sản phẩm lưu niệm Bạc Liêu
Khi đến với một địa điểm du lịch nào đó, du khách đều muốn đem về những món quà mang đặc trưng của vùng đất ấy làm quà cho bạn bè và những người thân trong gia đình. Vì thế, ở các tỉnh, thành phố trong cả nước hay những địa phương có ngành Du lịch phát triển đều có những sản phẩm mang đậm dấu ấn về hình ảnh của quê hương mình để chỉ cần nhìn thấy, du khách sẽ nhận ra ngay món quà đó có xuất xứ từ nơi nào. Đến với Hà Tiên, du khách sẽ bắt gặp những sản phẩm lưu niệm được làm từ những vỏ sò, vỏ ốc, những chiếc áo thun, nón, giỏ xách… có in dòng chữ: “Du lịch Hà Tiên”; đến Bến Tre, du khách có thể tìm thấy trong nhiều quầy hàng lưu niệm ở địa phương chứ không riêng gì các địa điểm du lịch những mặt hàng thủ công mỹ nghệ và các loại bánh kẹo được tạo ra từ loại cây đặc trưng của xứ sở này: cây dừa…
Những sản phẩm lưu niệm được bày bán ở khu du lịch Quán âm phật đài. Ảnh: M.H |
Định hình cho sản phẩm lưu niệm
Tạo ra những sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn và đặc trưng riêng của Bạc Liêu đang là vấn đề được các ngành, các cấp, nhất là các nhà làm du lịch đặc biệt quan tâm. Bởi, làm tốt việc này sẽ góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Bạc Liêu đến với du khách. Hơn nữa, sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh trong tương lai. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Nhằm tạo nên những sản phẩm lưu niệm ấn tượng và độc đáo, thời gian qua chúng tôi đã liên hệ với một số cơ sở sản xuất và chế tác hàng thủ công mỹ nghệ có uy tín tại TP. HCM để tạo nên maket trong việc định hình các sản phẩm quà lưu niệm mang hình ảnh của vùng đất Bạc Liêu như: mô hình thu nhỏ của đồng hồ đá Thái Dương, cây xoài cổ 300 năm tuổi, đồ trang sức, móc khóa phỏng theo hình ảnh chiếc đờn kìm… Bên cạnh đó, tiếp tục lưu giữ và phát triển các sản phẩm lưu niệm truyền thống”.
Muốn làm tốt hơn nữa vấn đề này, các đơn vị có liên quan cần hợp sức với Sở VH-TT&DL để có hướng chỉ đạo xây dựng những sản phẩm lưu niệm không chỉ ở các khu du lịch trên địa bàn thành phố, mà còn cả các địa điểm du lịch ở mỗi địa phương. Đồng thời, nên xem xét việc thành lập các tổ hợp, khu chế tác các mặt hàng lưu niệm đặc trưng trên địa bàn để tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Hơn nữa, Bạc Liêu hiện đang ráo riết chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử thì việc tạo dựng những sản phẩm mang “thương hiệu” của Bạc Liêu sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Bạc Liêu đến du khách gần xa.
Huỳnh Hiếu
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau