Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
5 năm thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Xây dựng nguồn nhân lực toàn diện từ tư tưởng đến năng lực
Bài cuối: Tiếp tục sự chuyển động đúng hướng của Chỉ thị 12
>>Bài 1: Nhanh chóng tạo sự chuyển biến
>>Bài 2: Đột phá từ Chỉ thị 12
Những bước chuyển động đúng hướng và mạnh mẽ theo tinh thần Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy trong cán bộ, đảng viên (CBĐV), công chức, viên chức (CCVC), lực lượng vũ trang (LLVT) đã góp phần tạo được những “cú hích” cho Bạc Liêu những năm gần đây khi liên tục vươn lên ở tốp đầu của khu vực ĐBSCL trong tăng trưởng kinh tế. Với kết quả này, BTV Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12 như là giải pháp vừa cấp bách vừa lâu dài trong công tác cán bộ. Từ đó, tạo nên đội ngũ nhân lực trong hệ thống chính trị không chỉ đáp ứng yêu cầu về năng lực mà còn có được phẩm chất trong sáng, tư tưởng vững vàng, tràn đầy nhiệt huyết trong thực hiện đường hướng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, bảo vệ sự bình yên và nâng cao đời sống nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện Chỉ thị 12. Ảnh: H.T
GIỮ GÌN HÌNH ẢNH CÔNG BỘC CỦA DÂN
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 12, tuy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, song với chủ trương, giải pháp thiết thực và hiệu quả đã tạo nên kết quả hết sức khả quan về mục tiêu rèn luyện đội ngũ CBĐV, CCVC ngày càng kỷ cương, trách nhiệm. Theo đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương CBĐV, CCVC gương mẫu, đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân. Cụ thể hơn 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 21.690 lượt CBĐV, CCVC đã tự nguyện hiến đất mở đường, xây dựng trường học; xây dựng nông thôn mới; ủng hộ hoạt động an sinh xã hội; chung tay phòng, chống dịch COVID-19... bằng tiền mặt, hiện vật quy thành tiền hơn 108,8 tỷ đồng.
Đồng thời, với đội ngũ nhân lực “vừa hồng, vừa chuyên” này cũng đã góp phần vào việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình hay, các làm sáng tạo, hiệu quả đã được cấp ủy các cấp tuyên dương, giới thiệu và nhân rộng. Đơn cử như Công an tỉnh hướng đến mục tiêu tạo hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân thông qua các công trình, phần việc hướng về người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, người hoàn lương như: “Trao tặng niềm vui”, “Tiếp bước ước mơ”, “Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống”… Riêng Đảng bộ Công an TP. Bạc Liêu, ngoài việc người đứng đầu, các cấp phó đều xây dựng riêng cho mình bản cam kết thì đơn vị cũng đã xây dựng một cam kết tập thể với 8 nội dung cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 12. Nội dung cam kết này được Đảng bộ thiết kế thành pa-nô và đặt trước sảnh lớn của đơn vị để tất cả cán bộ, chiến sĩ luôn phải tự soi, tự điều chỉnh nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương theo quy định.
Trên địa bàn TP. Bạc Liêu hiện đang nhân rộng mô hình cải cách hành chính “3 trong 1” của đơn vị Phường 3 là đăng ký khai sinh, nhập khẩu và làm bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Còn ở TX. Giá Rai, người dân nơi đây rất ấn tượng khi thấy nội dung được lắp đặt công khai tại bộ phận một cửa với khẩu hiệu 3 xin: xin chào khi người dân đến, xin hỏi người dân cần làm gì, xin cảm ơn khi người dân về. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang thực hiện mô hình “CBĐV viết sổ nhật ký công tác tuần” của cá nhân. Đặc biệt là lấy hiệu quả giải quyết công việc chính là cơ sở để đánh giá cá nhân, tập thể.
Sự rèn luyện, tự trau dồi nghiêm túc cả về năng lực lẫn phẩm chất của CBĐV, CCVC, LLVT các cấp trong tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 12 thời gian qua đã được người dân trong tỉnh đánh giá rất cao. Sứ mệnh “công bộc của dân” ngày càng được thể hiện rõ nét từ hành động gần gũi, hết lòng phục vụ Nhân dân. Đồng thời, việc đạt được những thành quả cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương không còn quá khó khi có sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, CCVC và tin tưởng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
ĐỒNG THUẬN VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP
Rút kinh nghiệm những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau 5 năm triển khai thực hiện, hầu hết các cấp ủy, địa phương, đơn vị đều đồng thuận với chủ trương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 12 để đạt được những kết quả cao hơn. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được các cấp ủy bàn bạc, thảo luận, từ đó khẩn trương xây dựng, nhanh chóng áp dụng vào thực tế địa phương, đơn vị.
Theo đồng chí Võ Văn Sáu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Lợi, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng sau 7 năm triển khai thực hiện vẫn còn rất “thời sự” vì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt nên việc “tự soi, tự sửa” của CBĐV, của các cấp ủy cũng phải luôn được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm giữ vững niềm tin của Nhân dân với Đảng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Tương tự, Chỉ thị 12 của BTV Tỉnh ủy đến nay vẫn vô cùng phù hợp khi đối tượng được mở rộng hơn ngoài CBĐV là CCVC, LLVT các cấp, quy định về kỷ luật, kỷ cương cũng “chi tiết” hơn để đảm bảo nguồn nhân lực các cấp phát huy hết sở trường, năng lực. Nếu 2 chủ trương này được kết hợp thực hiện với sự kiểm tra, giám sát nghiêm túc, đặc biệt là việc xử lý nghiêm khắc, công khai những sai phạm của cá nhân, tập thể thì chắc chắn mỗi cá nhân không thể quên những quy định, trách nhiệm của một CCVC trong thực thi công vụ; hay lý tưởng và “lời thề” của CBĐV trước Đảng và Nhân dân.
Còn giải pháp mà đồng chí Nguyễn Bình Tân - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đưa ra, bên cạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thường xuyên thì cấp ủy, đơn vị, nhất là người đứng đầu cần khắc phục tình trạng sợ sai, không dám làm, phòng thủ của một bộ phận cán bộ, CCVC. Cấp ủy, ngành chức năng cần tiếp tục quyết liệt, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với mục tiêu kiên định “không vùng cấm, không ngoại lệ” để mọi CBĐV, CCVC sẽ phải nói không với tiêu cực, tự miễn nhiễm với những điều sai trái, những điều đảng viên, CCVC không được làm.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 12, BTV Tỉnh ủy đồng thời nhấn mạnh việc kiểm tra, giám sát, nhất là tiếp tục duy trì các tổ kiểm tra đột xuất để nâng cao tính hiệu lực của Chỉ thị. Gắn việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ, quy định đối với CCVC, LLVT các cấp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, cao hơn nữa là công tác tham mưu, đóng góp hiệu quả cho đơn vị, địa phương; riêng đối với người đứng đầu, cấp phó đơn vị, ban, ngành, địa phương... cũng phải gắn với kết quả thực hiện chỉ tiêu, nghị quyết, việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội; các khâu đột phá, đạt được đến đâu thì đánh giá nghiêm túc đến đó. Song song đó, công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bên cạnh trình độ, năng lực của cán bộ thì cấp ủy cần lưu ý đến yếu tố uy tín, sự tín nhiệm của cán bộ đó trước Nhân dân, CCVC, người lao động tại đơn vị. Do đó, trong triển khai thực hiện Chỉ thị 12 cũng như các chủ trương, chính sách, nghị quyết các cấp trong thời gian tới sẽ phát huy cao nhất vai trò giám sát của HĐND các cấp, Mặt trận và các đoàn thể, đặc biệt là “kênh thông tin” đắc lực của quần chúng nhân dân.
TUYẾT ĐÌNH
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường