Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
5 năm thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A: Cần những đột phá mới
Hơn 5 năm trước, Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV "về phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo" được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phá cho vùng chuyên nuôi trồng và đánh bắt hải sản này. Hơn 5 năm sau, hạ tầng kỹ thuật cùng các điều kiện phục vụ cho sản xuất ngày càng hình thành và phát triển, đưa vùng phía Nam giữ vị trí quan trọng trên bản đồ kinh tế của tỉnh.
THAY ĐỔI BỘ MẶT KHU VỰC
Điều đáng kể nhất ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A là các dự án động lực được triển khai thực hiện đã thay đổi dần bộ mặt của khu vực, làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Nhà máy điện gió 62 trụ turbine với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng là nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất Việt Nam. Cảng biển Gành Hào được bổ sung vào hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án trọng điểm và các dự án có tính động lực cho phát triển vùng biển.
Song song với việc tăng diện tích nuôi, kết cấu hạ tầng vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh cũng được quan tâm đầu tư, xuất hiện một số mô hình mới đem lại hiệu quả cao cho người nuôi. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm dần hình thành tại xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu), là điều kiện quan trọng để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước như định hướng của tỉnh.
Kinh tế biển cũng xác định được hướng đi cho mình thông qua việc tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, tổ khai thác hải sản (góp phần hỗ trợ nhau trong khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển). Công tác phát triển dịch vụ, du lịch ven biển cũng có những điểm nhấn quan trọng như hoàn chỉnh khu biển nhân tạo thuộc Khu du lịch Nhà Mát (TP. Bạc Liêu); trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng để tham quan du lịch như Lăng Ông Duyên Hải (huyện Đông Hải), Lăng Ông Nam Hải (huyện Hòa Bình)…
Khách ngoài tỉnh đến tham quan điện gió Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ
PHÁT TRIỂN CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG
Nhìn lại chặng đường phát triển với nhiều chủ trương, chính sách đầu tư quan trọng, đánh giá cho thấy kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam Quốc lộ 1A vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; một số lĩnh vực phát triển còn chậm như nghề khai thác xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá…, các lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác tốt.
Cũng như các khu vực khác, nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình, dự án phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A rất lớn, trong khi nguồn vốn chỉ đáp ứng được một phần. Bên cạnh đó, khu vực này còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng xói lở tại các cửa sông, gây sạt lở bờ kè, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và đời sống người dân, trong khi các công trình chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ.
Những thành tựu đạt được cùng hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A đặt ra nhiều vấn đề trong định hướng chỉ đạo sắp tới. Bởi kinh tế biển ngày càng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ an ninh - quốc phòng. Và vùng phía Nam Quốc lộ 1A cũng có nhiều lợi thế về địa thế, dân cư để phát triển theo định hướng mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Vì vậy, điều cần thiết nhất hiện nay là những chủ trương tạo đột phá để phát triển kinh tế biển mà Bạc Liêu vốn có nhiều tiềm năng cũng như vực dậy khu vực phía Nam Quốc lộ 1A một cách tương xứng hơn.
THANH LÂM
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ