Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Bạc Liêu: Định hình phát triển từ những quyết sách
Bài 1: Khát vọng trở thành tỉnh khá
Nhìn lại lịch sử từ trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại đến thời kỳ xây dựng đất nước, Bạc Liêu đã qua nhiều lần chia tách theo yêu cầu khách quan của thời đại. Mỗi lần chia tách là mỗi lần vùng đất gần cuối trời Nam này ghi dấu ấn bằng những chủ trương mang tính quyết định cho đường hướng phát triển về sau. Trong đó, chặng đường hơn 28 năm từ ngày tái lập tỉnh lần 2 (1/1/1997) đã có có những quyết sách góp phần xây dựng nên một Bạc Liêu hôm nay, làm nền tảng để quê hương tiếp tục bước vào một giai đoạn phát triển mới và rộng lớn hơn.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu tập 2, giai đoạn 1975 - 2000 ghi rõ “sau 20 năm hợp nhất, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997 theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX. Việc hợp nhất, cũng như việc tái lập tỉnh Cà Mau là do yêu cầu khách quan của lịch sử…”.
Bắt đầu từ nông thôn
Sau bao nhiêu năm bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh rồi kinh tế bao cấp với đầy rẫy khó khăn sau ngày hòa bình lập lại, Bạc Liêu ngày mới chia tách, cũng như một gia đình nhỏ ra riêng từ một đại gia đình, vốn liếng không nhiều. Từ cơ sở vật chất đến con người, tất cả đều thiếu. Cố Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Phan Quốc Hưng khi sinh thời từng chia sẻ về giai đoạn ấy: “Trụ sở, cơ quan làm việc thì rất thiếu. Các cơ quan tỉnh gần như “chiếm chỗ” gần hết các cơ quan thị xã. Cơ sở hạ tầng gần như không có gì, cái đã có thì đã hư hỏng xuống cấp. Cán bộ cũng rất ít. Mỗi cơ quan chỉ được 4 - 5 người”.
Trong sự thiếu thốn ban đầu ấy, chủ trương của tỉnh lúc bây giờ lại là ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn! “Tỉnh ủy bàn, nông thôn mình còn nghèo quá. Ở những vùng căn cứ kháng chiến đường không có, điện cũng không, trường học, trụ sở chưa ra gì. Cho nên mới thống nhất nhau thôi cứ ở tạm bợ, tất cả nguồn lực từ thu ngân sách đến xin Trung ương đều đầu tư cho nông thôn hết. Khi nào nông thôn tạm ổn thì mới quay về đầu tư cho thị xã”, chủ trương ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã khởi đầu bằng những suy nghĩ đầy nghĩa tình như thế.
Sự đầu tư cho nông thôn được bắt đầu từ việc xây dựng hạ tầng nông thôn vốn rất yếu kém sau ngày chia tách. Chương trình chỉ đạo số 01 về một số công việc cấp bách quan trọng trước mắt trong tháng 1/1997 do Tỉnh ủy ban hành trong những ngày đầu tái lập xác định một trong những nhiệm vụ đầu tiên là chuẩn bị kế hoạch và triển khai thực hiện khẩn trương việc huy động vốn trong dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn. Trong năm đầu tiên sẽ đưa điện về 8 xã, thi công các tuyến lộ Bạc Liêu - Nhà Mát, Cầu Sập - Ngan Dừa, Giá Rai - Gành Hào, hiện đại hóa thông tin liên lạc, phát triển mạnh mạng lưới giao thông nông thôn, tập trung xây dựng thêm trường lớp, xóa lớp học ca 3 và trường tạm bợ…
Lộ nông thôn mới ở ấp Bình Tốt A (xã Phong Thạnh Tây, huyện Phước Long). Ảnh: M.Đ
Thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền, phong trào làm giao thông nông thôn ở các địa phương rất sôi nổi, người người, nhà nhà làm giao thông nông thôn. Đường điện kéo về những vùng quê xa, những ngôi trường khang trang mọc lên nhanh chóng, đường về trung tâm xã và tận các ấp xa được tráng nhựa hay bê-tông hóa. Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu tập 2 (giai đoạn 1975 - 2000) ghi nhận giai đoạn 1996 - 2000 vốn đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng không ngừng tăng lên, nhất là đầu tư nghiên cứu khoa học để lai tạo các loại giống có giá trị kinh tế cao.
Cũng là nông nghiệp - nông thôn, chủ trương chuyển đổi sản xuất ở những vùng độc canh cây lúa ở Bắc Quốc lộ 1A đã tạo nên cuộc cách mạng trong sản xuất của Bạc Liêu những năm đầu thế kỷ XXI. Trên “cánh đồng chó ngáp” sản xuất 1 vụ lúa/năm, từ khi chuyển đổi sản xuất đồng bộ với xây dựng hệ thống thủy lợi đã xuất hiện những mô hình tôm - lúa có lợi nhuận cao cùng các tỷ phú nông dân. Với con tôm, những năm đầu chia tách, có khi Bạc Liêu đã đạt tăng trưởng 18%! Con tôm không chỉ giúp nông dân làm giàu mà còn mang đến một khát vọng lớn hơn khi chủ trương đưa Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm cả nước ra đời vào năm 2021. Và đến nay, một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng chính là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà con tôm là đối tượng nuôi chủ lực!
Trong diễn văn ôn lại truyền thống 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (1/1/1997 - 1/1/2022), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng đã nhấn mạnh những kết quả ban đầu quan trọng từ việc ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn là nền tảng để Đảng bộ tiếp tục phát huy và xác định, lựa chọn hướng đi phù hợp cho sự phát triển của tỉnh giai đoạn tiếp theo. Có thể thấy, chủ trương đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp, nông dân của Bạc Liêu vẫn nhất quán từ ngày tái lập, trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh đều ban hành nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp hay xây dựng nông thôn mới.
Bật dậy sức mạnh văn hóa
Ngày nay, Bạc Liêu được biết đến như vùng đất với những điểm đến mang đậm giá trị văn hóa lịch sử trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nghệ thuật đờn ca tài tử được gìn giữ và phát huy trong đời sống văn hóa cũng như phục vụ du lịch; các di tích văn hóa, lịch sử không còn ngủ yên mà ngày càng thu hút nhiều du khách từ khắp nơi, trở thành thương hiệu quảng bá cho du lịch Bạc Liêu. Những nghề truyền thống được vinh danh, trong đó có Nghề làm muối được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia… Đây là kết quả từ việc tìm ra một hướng đi phù hợp mà BCH Đảng bộ tỉnh đã thể hiện quyết tâm ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ XXI.
Ngày 24/6/2011, BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) ban hành Nghị quyết 02 về đẩy mạnh phát triển du lịch. Với mục tiêu tận dụng những đặc điểm và lợi thế để phát triển mạnh ngành du lịch của tỉnh với sự đầu tư lớn để đưa Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ và cả nước, trong Nghị quyết, Tỉnh ủy đã yêu cầu gắn du lịch với quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử và văn hóa của địa phương; dựa vào truyền thống lịch sử, văn hóa của Bạc Liêu để phát triển du lịch. Phát triển du lịch gắn liền với việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, gắn với quốc phòng - an ninh. Có thể nói, đây chính là nền tảng để Bạc Liêu theo đuổi mục tiêu phát triển du lịch bền vững trên gia tài sẵn có là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đến nay, Bạc Liêu đã định hình rõ thế mạnh du lịch của mình, từ du lịch tâm linh, du lịch xanh, du lịch văn hóa… cùng một tầm nhìn xa khi chọn lĩnh vực này là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội.
Trên chặng đường 28 năm sau ngày tái lập, khát vọng trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước được BCH Đảng bộ tỉnh dần hiện thực hóa qua những chủ trương định hướng lối đi phát triển kinh tế - xã hội, ghi danh một Bạc Liêu không ngại vượt khó để vươn lên. Thế mạnh kinh tế được khai thác, sức mạnh văn hóa được khơi thông, tất cả bắt đầu từ những chủ trương mang tính quyết định.
Thanh Lâm