Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ trương nhất thể hóa các chức danh: Nhiều địa phương không mặn mà
Năm 2009, Bạc Liêu bắt tay vào thực hiện chủ trương nhất thể hóa bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã. Từ 2 xã đầu tiên (Định Thành của huyện Đông Hải và Hưng Hội của huyện Vĩnh Lợi, thực hiện từ tháng 8/2009), đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có đến 11 xã thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối tháng 8/2016 thì chỉ còn 5 xã duy trì mô hình. Điều gì đã làm cho một chủ trương được đánh giá là có thể tạo ra đột phá trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, giúp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng lại không được các địa phương mặn mà?
Nhất thể hóa các chức danh là một chủ trương được Trung ương Đảng bàn và đề cập từ khóa X. Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 2/2/2008 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nội dung nghị quyết nêu: …Thực hiện tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa và từng bước nhất thể hóa chức danh cán bộ; tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở... Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 9 (khóa X) ban hành Kết luận số 37/KL-TW ngày 2/2/2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020. Đó là: …Nghiên cứu xây dựng và thực hiện thí điểm đề án nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo đảng, chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh; đề án thực hiện chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu Ban Thường vụ và bí thư, phó bí thư; đề án đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ và cấp phòng; thực hiện chế độ thực tập và tập sự lãnh đạo. |
Giúp lãnh đạo năng động và linh hoạt hơn
Là một trong hai xã của TX. Giá Rai thực hiện chủ trương nhất thể hóa, Phong Thạnh Tây hiện nay vẫn duy trì mô hình này. Đồng chí Huỳnh Thanh Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: “Với chủ trương nhất thể hóa, công việc nhiều hơn, cực hơn, nhưng tôi có được sự năng động và linh hoạt trong giải quyết công việc. Nhất là những công việc liên quan đến đời sống dân sinh, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo gấp thì vai trò bí thư kiêm chủ tịch được phát huy tốt do không cần phải hội ý, xin ý kiến lòng vòng”.
Sự năng động, linh hoạt, sáng tạo của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND trong lãnh đạo, điều hành, giải quyết công việc cũng chính là điều mà đồng chí Đặng Tấn Hoài, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh (TX. Giá Rai) cảm nhận rõ từ khi đảm trách “hai vai” bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND xã. Những ý tưởng về phát triển kinh tế - xã hội để mang lại sự bứt phá cho một xã vùng sâu như Phong Thạnh được đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã trao đổi nhanh và thuyết phục với thường trực cấp ủy, ban thường vụ (BTV). Đồng chí Đặng Tấn Hoài khẳng định: “Công tác lãnh đạo của cấp ủy sát với tình hình thực tiễn hơn so với trước đây, kịp thời gỡ khó cho những vấn đề mà địa phương đang gặp do tôi trực tiếp nắm được mà không qua việc báo cáo của UBND xã”.
Theo đánh giá của các huyện, thị ủy, khi thực hiện mô hình nhất thể hóa, sự lãnh đạo của cấp ủy đã bao quát, toàn diện hơn. Việc thực hiện các nghị quyết, chương trình công tác của cấp ủy cùng cấp và cấp trên cũng được chính quyền tiến hành nhanh hơn, giảm bớt được các khâu trung gian. Phong cách lãnh đạo, phương pháp làm việc của người đứng đầu được đổi mới theo hướng quyết đoán, năng động, dám làm dám chịu trách nhiệm. Quy trình từ xây dựng chủ trương, nghị quyết đến lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được nhanh hơn.
Đồng chí Đặng Tấn Hoài (bìa trái), Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh (TX. Giá Rai) trong một lần tiếp đoàn công tác của Trung ương, tỉnh về làm việc. Ảnh: M.Đ
Mô hình chưa có nhiều vượt trội
Để đánh giá hiệu quả mô hình nhất thể hóa, Tổ công tác số 1 của Tỉnh ủy đã khảo sát, đánh giá mô hình này trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ công tác cũng chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế khi thực hiện. Đó là trong lúc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị đơn vị có lúc, có việc chưa phân định rõ, còn có sự lẫn lộn giữa nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò, phương thức điều hành của bí thư cấp ủy với điều hành của chủ tịch UBND. Nghĩa là đồng chí bí thư, chủ tịch đôi khi “nhầm vai” và từ đó có trường hợp dẫn đến tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hoa, Quyền Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cho biết: “Sau khi đánh giá tình hình thực tiễn ở các xã không thực hiện nhất thể hóa và xã đã thực hiện, BTV Huyện ủy quyết định không tiếp tục duy trì mô hình này. Lý do là ở các xã áp dụng mô hình nhất thể hóa không có gì vượt trội so với xã không áp dụng mô hình. Đồng chí bí thư, chủ tịch xã thường phải dành nhiều thời gian cho công tác chính quyền nên ít đầu tư công sức, thời gian cho công tác đảng”.
Bên cạnh đó, việc tập trung quyền lực vào một người cũng dễ dẫn đến chủ quan, độc đoán, mất dân chủ. Theo tổ công tác của Tỉnh ủy, khi đến làm việc với các xã thực hiện nhất thể hóa, chính BTV các xã đã đề nghị không tiếp tục duy trì mô hình nhất thể hóa.
Yếu về khâu giám sát
Phân tích nguyên nhân về sự hạn chế trong phát huy hiệu quả của mô hình nhất thể hóa cho thấy có nhiều vấn đề cần quan tâm, trong đó có cơ chế kiểm tra, giám sát của HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp quá yếu. Tinh thần đấu tranh xây dựng nội bộ chưa cao, có sự nể nang trong phê bình và tự phê bình, chưa mạnh dạn góp ý, chỉ ra những hạn chế thiếu sót của đồng chí bí thư - chủ tịch, từ đó dễ dẫn đến lạm quyền.
Đồng chí Phạm Văn Thiều, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhận định: “Việc thực hiện mô hình nhất thể hóa khó nhất là khâu cán bộ. Phải chọn được người thật sự công tâm, khách quan, năng động, sáng tạo thì mới có thể đảm đương nổi hai vai. Bên cạnh đó, để đảm bảo dân chủ, cơ chế giám sát của HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này ở cấp xã nhìn chung còn yếu”.
Cán bộ tại cơ sở chưa đủ tầm, cán bộ cấp huyện tăng cường xuống chưa được tập thể tín nhiệm, vì vậy, việc chọn đúng người để đảm nhiệm cả hai chức danh chủ chốt bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND là một khó khăn. Cũng chính vì khó khăn trong công tác lựa chọn, bố trí cán bộ đủ điều kiện thực hiện nhất thể hóa và so sánh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giữa các đơn vị nhất thể hóa với đơn vị không nhất thể hóa là không chênh lệch nên TP. Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, Phước Long đã đề xuất không tiếp tục thực hiện mô hình này ở cấp huyện và cấp xã.
Nhất thể hóa là một chủ trương mới, cần sự trải nghiệm thực tiễn để đánh giá hiệu quả và tính phù hợp. Thực tiễn ở Bạc Liêu cho thấy, nếu tiếp tục áp dụng chủ trương nhất thể hóa cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể hơn.
Lâm Anh
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững