Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Công tác phòng chống tham nhũng: Cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo
Năm 2015, tình hình tham nhũng, lãng phí ở một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đã được kiềm chế, nhờ đó mà lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền được nâng lên. Đó là kết quả của hàng loạt giải pháp nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, Tỉnh ủy đánh giá, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tình trạng này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.
ĐẢNG VIÊN BỊ KỶ LUẬT GIẢM
Để phòng ngừa tham nhũng, bên cạnh công tác tuyên truyền, các giải pháp thường xuyên như cải cách hành chính; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập; đổi mới phương thức trả lương; chuyển đổi vị trí công tác. Theo báo cáo của Tỉnh ủy, việc công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Đảng, Nhà nước. Công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên với 16/19 sở, ngành, 7/7 huyện, thị xã, thành phố và 64/64 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 774 trong tổng số 850 người thuộc diện phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Chính phủ đã được chuyển đổi. Trong năm 2015, số đảng viên bị thi hành kỷ luật cũng giảm trên 30% so với năm trước với 37 đảng viên nhận các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, khai trừ Đảng.
Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” của huyện Hồng Dân. Ảnh: K.P
VẪN CÒN TÌNH TRẠNG NHŨNG NHIỄU NHÂN DÂN
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Nội chính Tỉnh ủy nhận định công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Một số đơn vị quản lý sử dụng ngân sách, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ và chưa thật sự tiết kiệm, một số án tham nhũng giải quyết còn chậm. Ông Võ Minh Lương, Chánh Thanh tra tỉnh, cho biết qua thanh tra cho thấy sai phạm nhiều nhất ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị là trong công tác tài chính, chi sai nguyên tắc. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, tình trạng chất lượng công trình không đảm bảo, công trình bị rút ruột là những sai phạm thường thấy.
Một trong những nguyên nhân được Ban Nội chính Tỉnh ủy phân tích chính là quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng chưa đủ độ tin cậy, nên tình trạng sợ bị trả thù, trù dập vẫn còn, từ đó làm hạn chế sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đồng tình với ý kiến này, ông Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng những cán bộ có hành vi tham nhũng thường là những người có trình độ chuyên môn, chức vụ nên có thể che giấu được hành vi phạm tội của mình. Chính vì vậy, việc tố cáo người tham nhũng cũng bị hạn chế do sợ bị trả thù. Lãnh đạo ngành Công an tỉnh đề nghị cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, có như vậy mới khuyến khích người dân phát hiện tham nhũng.
Một trong những nhiệm vụ tập trung trong năm 2016 và cũng là nhiệm vụ thường xuyên về công tác phòng chống tham nhũng là chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, nhất là hoạt động tự kiểm tra nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Để làm được điều này, ngoài sự quan tâm và nhập cuộc một cách tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền thì việc hoàn thiện các cơ chế nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ người chống tiêu cực cũng là một việc cần thiết.
THANH LÂM
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững