Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Đảng viên nhận đỡ đầu hộ nghèo: Mô hình mang tính nhân văn

Thứ Sáu, 06/12/2024 | 16:10

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, huyện Hòa Bình đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo... Trong đó, mô hình “Đảng viên nhận đỡ đầu hộ nghèo” đã chứng minh tính hiệu quả cao, thể hiện tinh thần “Đảng luôn gần dân, ở bên dân”, góp phần tích cực vào việc giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Ban Nội chính Tỉnh ủy hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Ảnh: H.Đ

HIỆU QUẢ CỦA MÔ HÌNH

Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đã được Đảng bộ, Chính quyền huyện Hòa Bình thực hiện từ nhiều năm qua theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh. Nếu tính mốc thời gian từ Nghị quyết 01, ngày 22/7/2011 của BCH Đảng bộ huyện (khóa X) về công tác giảm nghèo, việc làm từ nay đến năm 2015 và Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ huyện (khóa XI) về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, sau 10 năm triển khai thực hiện, huyện Hòa Bình đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, cuối năm 2015 huyện Hòa Bình còn hơn 1.500 hộ nghèo, 1.300 hộ cận nghèo, thì đến đầu năm 2016, theo quy định mới về giảm nghèo đa chiều, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện phát sinh lên đến gần 5.200 hộ nghèo. Trong đó, có trên 31% hộ thiếu hụt diện tích nhà ở, trên 84% hộ nghèo chưa đảm bảo chất lượng nhà ở…

Qua nhiều năm phấn đấu không mệt mỏi vì sự no ấm của người dân, đến cuối năm 2019, số hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 629/27.602 hộ, chiếm tỷ lệ 2,28%. Đây thật sự là một “kỳ tích”, khi chỉ chưa đầy 4 năm, huyện đã giúp 4.571 hộ thoát được nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Và tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 0,19% vào thời điểm cuối năm 2021. Đặc biệt, toàn huyện đã thoát 36/36 hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết giao (2%/năm).

Theo ghi nhận, người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý…

Huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực để chăm lo đời sống cho người nghèo. Theo đó, hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo trong huyện được tạo mọi điều kiện về kinh tế, động viên, giúp đỡ về tinh thần để họ tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, huyện đã kêu gọi sự ủng hộ của cả xã hội để cùng nhau chăm lo đời sống cho người nghèo. Lời “hiệu triệu” từ trái tim này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện.

Chìa khóa để giải bài toán tưởng chừng như “nan giải” này chính bằng cái tâm của chính quyền với dân khi lần đầu tiên trên 2.000 đảng viên trong huyện được giao thêm nhiệm vụ nhận đỡ đầu, giúp đỡ, hướng dẫn hộ nghèo làm ăn, tạo điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo, hòa nhập với cộng đồng.

Ông Trương Văn Tuấn - Phó Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu trao hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo trên địa bàn ấp 19 (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) do đơn vị nhận đỡ đầu năm 2024. Ảnh: C.T

GIÚP DÂN BẰNG “CÁI TÂM”

Để giúp dân thoát nghèo, huyện Hòa Bình phát động phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đó, nòng cốt vẫn là sự tiên phong, gương mẫu đi đầu của đảng viên trong việc giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế cho hộ nghèo, cận nghèo.

Từ sự quan tâm, sâu sát của các cấp lãnh đạo, sự nhiệt tình giúp dân của các đảng viên, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai kịp thời với nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả để hỗ trợ người dân vươn lên xây dựng đời sống, thoát nghèo bền vững. Huyện đã triển khai các dự án, tiểu dự án như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin…

Thông qua các dự án hỗ trợ và sự tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ, đảng viên… đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt là biết lựa chọn giống cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình, địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, vùng sản xuất tập trung để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập.

Từ những giải pháp trên, từ năm 2020 - 2024, trên địa bàn huyện đã có hơn 2.000 hộ thoát nghèo bền vững. Theo đó, vào cuối năm 2021, thực hiện tổng điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương thức đa chiều, giai đoạn 2022 - 2025, toàn huyện có 2.380 hộ nghèo (tỷ lệ 8,51%) và 1.947 hộ cận nghèo (tỷ lệ 6,96%). Qua 3 năm (2022 - 2024) với việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, hiện toàn huyện chỉ còn 239 hộ nghèo (giảm 2.141 hộ so với năm 2022 và giảm 438 hộ so với đầu năm 2024). Số hộ cận nghèo cũng chỉ còn 556 hộ (giảm 1.391 hộ so với năm 2022 và giảm 381 hộ so với đầu năm 2024).

Ông Trần Minh Thới - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết: “Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của cả cộng đồng xã hội và đặc biệt là cái tâm của người đảng viên đã làm thay đổi ý thức tự vươn lên của từng hộ nghèo, cận nghèo. Những kết quả trên cho thấy: Mô hình “Đảng viên nhận đỡ đầu hộ nghèo” đã minh chứng sự đúng đắn, thể hiện tinh thần “Đảng luôn gần dân, ở bên dân” và mang tính nhân văn sâu sắc khi đảng viên luôn kề vai sát cánh cùng hộ nghèo, thắp thêm hy vọng, tạo thêm động lực để họ tự vươn lên”.

Tin rằng, với nền tảng trên, huyện Hòa Bình sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để nâng dần chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến không còn hộ nghèo, cận nghèo trong tương lai.

CHÂU KHÁNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.