Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đổi mới phân cấp quản lý bổ nhiệm cán bộ: Đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới
Khắc phục những hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 32 ngày 18/6/2013 nhằm xây dựng, quản lý việc bổ nhiệm cán bộ chặt chẽ hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới…
Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác tổ chức Đảng 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ảnh: X.T |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc phân cấp về quản lý, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp phòng của các sở, ngành tỉnh cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Cụ thể như: một số nơi việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ làm lãnh đạo cấp phòng còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến một số cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, trình độ, năng lực và đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm với công việc được giao chưa cao; thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt; còn có biểu hiện yêu sách, gây khó dễ với doanh nghiệp và người dân... làm mất uy tín của sở, ngành và ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của tỉnh. Mặt khác, việc phân cấp cho các sở, ngành quản lý và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cấp trưởng, phó phòng ở các sở, ban ngành tỉnh cũng dẫn đến sự quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với đội ngũ kế cận có phần lơi lỏng, thiếu sâu sát và khó khăn trong việc điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các sở, ngành tỉnh khi cần thiết.
Để chấn chỉnh những mặt còn hạn chế, yếu kém trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra quyết định điều chỉnh, bổ sung quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế về bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Cụ thể như, các sở, ngành tỉnh thuộc khối Nhà nước khi có yêu cầu về việc điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển cán bộ cấp trưởng, phó trưởng phòng và tương đương thì phải thực hiện theo quy trình: Thủ trưởng đơn vị làm văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ, kết luận quan hệ lịch sử chính trị của cán bộ) gửi đến Sở Nội vụ làm tham mưu giúp Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét về nhu cầu và tiêu chuẩn cán bộ. Sau đó, Sở Nội vụ làm văn bản hiệp y chuyển đến Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định và tham mưu, đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy…
Việc thực hiện quy trình điều động, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm chặt chẽ, nhưng phải nhanh chóng, kịp thời; tránh tình trạng kéo dài, gây tác động không tốt đến tâm lý cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm.
Đối với việc thực hiện chính sách thu hút cán bộ có học hàm, học vị cao về công tác tại tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, rà soát lại nhu cầu hàng năm của tỉnh những ngành, lĩnh vực cần thu hút cán bộ có học hàm, học vị cao, số lượng cụ thể để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trước khi tiến hành thực hiện. Việc tiếp nhận giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về công tác tại các cơ quan, ban ngành tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, thẩm định về nhu cầu, tiêu chuẩn, năng lực thực tế... tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy xem xét, có ý kiến chỉ đạo. Đối với thạc sĩ, khi nhận về tỉnh công tác thì phải thông báo với Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho ý kiến.
Để thực hiện tốt các nội dung quy định của Kết luận số 32, Tỉnh ủy giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban Đảng tỉnh, Sở Nội vụ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kết luận và định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy.
Tin rằng, với sự kịp thời, sâu sát cũng như việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc quản lý, bổ nhiệm, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh sẽ từng bước đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới.
XUÂN THƯỞNG
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững