Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Giảm nghèo bền vững - đích đến của một xã hội phồn vinh

Thứ Tư, 05/04/2023 | 15:58

Ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đói nghèo là một trong 3 thứ giặc cần phải diệt (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm). Tiếp thu và làm theo tư tưởng của Người, trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xác định xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là một trong những quyết sách quan trọng hàng đầu, vì sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Ở từng giai đoạn, các tiêu chí giảm nghèo cũng dần được nâng lên với mục tiêu đảm bảo sự bền vững tương lai của người nghèo cũng chính là tạo ra sự phát triển bền vững của địa phương, hướng đến khát vọng về một xã hội phồn vinh của đất nước.

Bài 1: Chủ trương đúng, triển khai hiệu quả

Thực tế không thể phủ nhận, một chủ trương xuyên suốt của Đảng ta từ khi mới thành lập đến nay và luôn được quan tâm hàng đầu đó chính là XĐGN. Ở từng giai đoạn khác nhau thì có những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn, nhưng mục tiêu cuối cùng hướng đến vẫn là giúp người dân vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi cảnh đói nghèo, rồi nâng dần tiêu chí cao hơn là được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ hiện đại. Và quan trọng nhất là khi đã có được chủ trương, đường hướng đúng thì các cấp ủy, chính quyền đã kịp thời triển khai để đạt những kết quả tốt nhất.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam tặng quà cho hộ Khmer nghèo ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T

NHIỀU QUYẾT SÁCH CHO CÔNG CUỘC XĐGN

Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ từng đối tượng hộ nghèo. Cụ thể như: Chương trình 135 nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang, ven biển; Chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã; Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin...

Bạc Liêu từ năm đầu tiên tái lập tỉnh (1997) đã có xuất phát điểm rất thấp từ việc thiếu cán bộ đến thiếu cơ sở vật chất; sự xuống cấp trầm trọng của cơ sở hạ tầng kinh tế... Mặt khác, cũng trong năm 1997, cùng với các tỉnh ven biển miền Tây, Bạc Liêu lại bị cơn bão số 5 tàn phá, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vùng trong tỉnh. Đời sống nhân dân Bạc Liêu thời điểm đó càng thêm khó khăn, theo rà soát thì có gần 32.480 hộ nghèo, chiếm trên 22,7%. Chính vì vậy, song song với triển khai thực hiện chủ trương, chính sách XĐGN của Trung ương, Ban Chấp hành lâm thời tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Nghị quyết 01, trong đó nhấn mạnh XĐGN là vấn đề cấp bách cần nhanh chóng giải quyết. Đến nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2015 - 2020) và cả lần thứ XVI (2020 - 2025) đều xây dựng và ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững. Ở cấp huyện rồi đến cấp cơ sở tiếp tục có những chủ trương cụ thể hơn để lo cho dân từ chuyện cơm ăn, nhà ở đến việc làm. Mỗi tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp thì có trọng trách đồng hành, tiếp sức với người nghèo trên con đường thoát nghèo.

NHỮNG BƯỚC CHUYỂN NGOẠN MỤC

Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất thì cũng chính là thời điểm mà Bạc Liêu cùng cả nước bắt tay ngay vào công cuộc khôi phục lại hoang tàn về cơ sở vật chất mà địch gây ra. Và nhiệm vụ quan trọng hơn hết chính là thực hiện theo Di chúc của Bác: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Cũng từ lời dạy của Bác, năm 1997 Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Chỉ thị 07 với chủ trương: “Ổn định đời sống quần chúng ở thành thị, giải quyết công ăn việc làm, đưa quần chúng thị xã, thị trấn về nông thôn, khôi phục và phát triển sản xuất”. Và rồi những giai đoạn tiếp theo, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể triển khai các giải pháp, việc làm cụ thể nhằm đồng hành cùng Nhân dân, trong đó ưu tiên hỗ trợ hết sức cho các hộ gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, người yếu thế để họ có được động lực để vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Vì tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất thuộc các địa phương vùng nông thôn sâu, xa nên ngay những năm đầu tái lập tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai quyết sách tập trung phát triển hạ tầng nông thôn. Đây cũng chính là giải pháp để vực dậy các vùng nông thôn còn khó khăn, tạo điều kiện để người dân nơi đây có thêm nhiều hơn cơ hội học tập, việc làm, mở rộng sản xuất, mua bán, giao thương. Quyết sách này đã giúp bộ mặt nông thôn dần thay đổi, cả ngàn cây “cầu khỉ” được xóa dần và kết thúc là “khai tử”; những con đường đất đen cũng được thay thế bằng lộ bê-tông, đường trải nhựa.

Mỗi năm, sau khi các địa phương rà soát hộ nghèo, nắm hoàn cảnh, nhu cầu hộ nghèo để sau đó cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Ban đầu với nguồn lực khiêm tốn, các hộ nghèo được hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, tiếp cận nguồn vốn vay để mua bán nhỏ, lẻ; đối với các hộ đông con thì cấp ủy, chính quyền địa phương vận động hộ khá giả, đơn vị, mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng gạo, nhu yếu phẩm, sách vở, quần áo cho trẻ em... Trong những giai đoạn tiếp theo, nguồn vốn vay của hộ nghèo, cả hộ cận nghèo được tăng lên, quy mô sản xuất, làm ăn của các hộ cũng được mở rộng thêm, các địa phương triển khai giải pháp hỗ trợ dân tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong nuôi trồng, chăn nuôi, mua bán... Đặc biệt, trong giai đoạn kinh tế cả nước cũng như địa phương dần ổn định, phát triển, các chính sách cũng được bổ sung nhiều hơn. Trong đó phải kể đến là chính sách hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn, xây dựng nhà tình thương, nhà đồng đội cho hộ nghèo có được nơi “an cư” chắc chắn hơn...

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo nên những bước chuyển được đánh giá là khá ngoạn mục. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của Bạc Liêu năm 2000 giảm 6,7% so với năm 1997. Tiếp theo đó, năm 2013, để tập trung cho công tác giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã triển khai chủ trương phân công cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo từ việc tư vấn về phương thức sản xuất, làm ăn, nâng cao thu nhập đến hỗ trợ trao phương tiện, vốn cho hộ nghèo, cận nghèo. Có thể nói, cùng với việc triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách giảm nghèo của Trung ương, cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hỗ trợ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần giúp chủ trương giảm nghèo của tỉnh đạt được những thành quả quan trọng. Ngoạn mục nhất là đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 0,35% (thấp hơn bình quân cả nước), trong đó có những địa phương xóa trắng hộ nghèo như: huyện Phước Long, TP. Bạc Liêu...

HOÀNG UYÊN - HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.