Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Giảm nghèo bền vững - đích đến của một xã hội phồn vinh
Bài 3: Khơi dậy nghị lực thoát nghèo của “chủ thể”
>>Bài 1: Chủ trương đúng, triển khai hiệu quả
>>Bài 2: Giúp người nghèo bằng tấm lòng, sự thấu hiểu
Hơn ai hết, chính hộ nghèo phải hiểu thoát khỏi đói nghèo là con đường duy nhất để cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn. Do đó, những năm gần đây, song song với việc tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ hộ nghèo thì các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã chú trọng đến giải pháp tuyên truyền, khơi dậy nghị lực thoát nghèo của chính “chủ thể” (người nghèo, cận nghèo). Kết quả cho thấy, khi thấu hiểu được vấn đề, nhiều hộ nghèo đã nhanh chóng vươn lên, thậm chí tự tin trả lại sổ hộ nghèo cho chính quyền.
TRAO PHƯƠNG THỨC, CHỐNG TƯ TƯỞNG Ỷ LẠI
Từ việc xác định giảm nghèo bền vững là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt nhằm đảm bảo an sinh xã hội, sự phát triển toàn diện của địa phương, rất nhiều chủ trương, chính sách được ban hành để tiếp sức cho người nghèo vượt lên hoàn cảnh. Đó có thể là: hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản... Cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2020, cùng với thực hiện các chính sách giảm nghèo của Trung ương, Bạc Liêu đã huy động thêm nhiều nguồn lực với tổng kinh phí lên đến 178 tỷ đồng. Qua đó đã xây dựng trên 3.980 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ trên 55.700 lượt hộ nghèo, cận nghèo, vừa thoát nghèo vay vốn (trung bình mỗi hộ được tiếp cận từ 2 - 3 chương trình tín dụng)...
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, không ít hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào những “ưu ái” trên của Nhà nước. Đơn cử như đợt tìm hiểu về cách thức làm ăn của hộ nghèo sau khi nhận hỗ trợ vốn tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình), chúng tôi được người dân nơi đây “mách” rằng: khi vừa nhận được nguồn hỗ trợ 4 triệu đồng để cải tạo vườn tạp trồng rau, anh T. đã dùng tiền đó để đi mua điện thoại trả góp. Theo người dân, nguồn vốn này giao cho người khác xứng đáng hơn, xã thiếu gì người đang cần vốn làm ăn.
Hay cách nay chưa lâu, chúng tôi tháp tùng cùng doanh nghiệp đi trao vốn cho hộ nghèo ở một xã ven biển của huyện Đông Hải. Dù mặc chiếc áo khoác dài tay, song người phụ nữ - hộ nghèo được xã chọn đến lại vô tình để lộ những chiếc vòng vàng đeo tay. Khi được hỏi sẽ sử dụng đồng vốn như thế nào, chị này trả lời tỉnh bơ: “Cho vay lấy tiền lời”.
Tương tự các trường hợp trên, không ít hộ nghèo, cận nghèo đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sai mục đích, có người thì mua tivi, tủ lạnh hoặc xe gắn máy... trả góp. Như vậy không chỉ không đầu tư vào làm ăn, sản xuất mà còn tạo thêm một khoản nợ phải trả góp hàng tháng. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp “lợi dụng” chính sách cho vay tín dụng, sự hỗ trợ của mạnh thường quân để “trục lợi” cá nhân bằng cách khai báo không trung thực để có sổ hộ nghèo. Từ đó tạo nên sự thắc mắc, bất bình trong Nhân dân, nhất là lãng phí nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo.
Một hộ nghèo của xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn nhờ chăm chỉ lao động.
Tại các cuộc họp chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch giảm nghèo năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã nhấn mạnh: Mục tiêu quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) hay giảm nghèo bền vững đều là làm sao để mọi người dân có cuộc sống ấm no, khi đó họ sẽ tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo. Chúng ta đang tiếp tục hành trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà người dân còn nghèo thì có ý nghĩa gì! Chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải đổi mới tư duy, quyết tâm thực hiện đạt các mục tiêu nhưng phải nói không với chạy theo thành tích; khơi dậy khát vọng của chủ thể là người dân để cùng chung tay xây dựng NTM, khơi dậy nghị lực của người nghèo với nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
NHỮNG LÁ ĐƠN TRUYỀN CẢM HỨNG
Cuối năm 2022, Bạc Liêu có cả trăm lá đơn đăng ký xin thoát nghèo được gửi đến chính quyền địa phương. Trong số đó, nhiều lá đơn được viết bằng nét chữ nguệch ngoạc nhưng chứa đựng ý chí không chấp nhận cảnh đói nghèo, là tinh thần tự trọng, dành những sự ưu tiên của chính sách cho người khó khăn hơn.
Trở lại ấp Ngọn (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân ở một địa bàn từng có nhiều hộ nghèo của huyện. Những căn nhà lá xập xệ năm nào được thay thế bằng những căn nhà tường mới tạo diện mạo khởi sắc cho nông thôn.
Ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Chúc Linh - một trong 7 hộ tiêu biểu về nghị lực thoát nghèo được Chủ tịch UBND tỉnh tuyên dương. Tấm bằng khen được chị trân trọng treo ở nhà trước, vừa là niềm vinh dự, động lực để gia đình chị tiếp bước, cũng vừa là sự nhắc nhớ về tháng ngày cực khổ nhưng không đầu hàng trước cái nghèo. Trước khi thoát nghèo, chị Linh “gãy gánh” chuyện hôn nhân, một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ. Trong căn nhà lá xiêu vẹo lúc đó chỉ có mỗi cái giường ngủ, gia đình không có đất sản xuất, sáng nào chị cũng đạp xe quanh các ấp để bán xôi. Được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, chị cất lại căn nhà kiên cố hơn để an cư, rồi dùng đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi heo. Chị động viên đứa con trai lớn theo nghề lái xáng cuốc để không tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị Linh nhận sợi lục bình về đan để có thêm thu nhập lo việc học hành cho đứa con út.
Mẹ con chị Nguyễn Thị Chúc Linh chia sẻ niềm vui được nhận bằng khen của UBND tỉnh với chính quyền địa phương. Ảnh: T.T - H.T
Chị Linh xúc động nói: “Trong hành trình vượt khó, nếu ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cấp, các ngành mà không cố gắng đi bằng “đôi chân” của mình thì gia đình tôi không thể thoát cảnh đói nghèo. Thoát nghèo không chỉ giúp gia đình tôi có cuộc sống ấm no, xã hội tốt đẹp lên mà còn để nhường phần hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ khó khăn hơn”.
Tương tự, ông Nguyễn Chí Công (ngụ xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai) cũng là một tấm gương về ý thức tự lực, tự cường thoát nghèo. Trước đây, ông tận dụng phần đất nhỏ của gia đình để thực hiện mô hình nuôi heo rừng. Vụ đầu tiên lời hơn 50 triệu đồng, ông vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng quy mô đàn heo, mua thêm chồn hương, ếch về nuôi. Chịu khó tìm hiểu kỹ thuật nuôi nên các mô hình cho thu nhập ổn định, ông Công mạnh dạn đến UBND xã đăng ký xin thoát nghèo. Ngoài ra, ông còn vận động con trai đi xuất khẩu lao động để có được nguồn thu nhập lớn đầu tư cho nuôi trồng, sản xuất của gia đình lâu dài. Ông Công chia sẻ: Khi biết được đưa vào danh sách phấn đấu thoát nghèo, tôi đã cùng gia đình bàn bạc phương thức làm ăn, lao động với mục tiêu là mỗi thành viên trong gia đình phải có việc làm và có thu nhập ổn định, rồi phải tiết kiệm... Sự đồng lòng của gia đình đã giúp hộ ông Công không chỉ thoát khỏi ngưỡng nghèo mà còn vươn lên khấm khá.
Quả thực, chính sách hỗ trợ hộ nghèo dù có ưu việt đến đâu thì cũng chỉ góp phần vơi bớt khó khăn trước mắt. Câu chuyện của chị Linh và ông Công và những hộ viết đơn xin rút sổ hộ nghèo là minh chứng rõ nét nhất về những người đầy nghị lực không cam chịu, khuất phục bởi nghèo khó. Những tấm gương chân thực này cần được biểu dương, điển hình lan rộng nhằm truyền cảm hứng, khát vọng cho những người “đồng cảnh ngộ”.
HOÀNG UYÊN - HỮU THỌ
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường