Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Giảm nghèo bền vững: Quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra
Phương pháp tiếp cận giảm nghèo đa chiều là cuộc đổi thay lớn trong quan điểm về công tác giảm nghèo hiện nay. Bởi những năm trước đây, chỉ số nghèo khó chỉ đo lường chủ yếu thông qua thu nhập. Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đã tiếp cận quan điểm mới này với quyết tâm để người nghèo có được cơ hội tiếp cận các loại dịch vụ xã hội cơ bản và chính các hộ nghèo nỗ lực thoát nghèo bền vững.
Thực hiện phương châm “Giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo”, Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2016 - 2020: Giảm tỷ lệ hộ nghèo ít nhất 2%/năm, phấn đấu đến năm 2020 giảm còn dưới 6%; phấn đấu đến năm 2020 giảm các chỉ số đo mức độ thiếu hụt theo tiêu chí của phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, tập trung vào 4 tiêu chí có mức độ thiếu hụt cao để đảm bảo giảm nghèo bền vững theo tiêu chí đề ra gồm: BHYT, chất lượng nhà ở, hố xí hợp vệ sinh và trình độ giáo dục người lớn; phấn đấu mỗi năm vận động quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội các cấp đạt từ 100 - 120 tỷ đồng; mỗi năm nhận giúp đỡ khoảng 5.000 hộ nghèo. Đồng thời một trong những giải pháp quan trọng của công tác giảm nghèo là tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo thông qua vận động tập đoàn, ngân hàng thương mại, các tổ chức, cá nhân… hỗ trợ xây nhà ở, trao phương tiện sản xuất, vốn cho hộ nghèo, xây dựng cầu, đường, trường học cho các địa phương nghèo trong toàn tỉnh… |
NHẬN DIỆN “THỰC TRẠNG NGHÈO”
Với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ thì cách tiếp cận hộ nghèo có sự thay đổi: từ đơn chiều (tiêu chí về thu nhập) sang đa chiều (cả về thu nhập và sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin). Do đó, tỷ lệ hộ tái nghèo có chiều hướng tăng cao. Qua tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương thức tiếp cận đa chiều đầu năm 2016, toàn tỉnh có 30.855 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,55%, cận nghèo 13.951 hộ, chiếm tỷ lệ trên 7,03%. Như vậy, nhiều hộ nghèo từng được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên chuẩn và đã thoát nghèo, nay lại tái nghèo do không đáp ứng các tiêu chí theo quy định mới.
Theo kết quả điều tra, tiêu chí thiếu hụt cao nhất của hộ nghèo toàn tỉnh là tiêu chí nhà vệ sinh (trên 85,9%); tiêu chí thiếu hụt về nhà ở thì gần 84,4%; tiêu chí về bảo hiểm có mức thiếu hụt trên 74%; mức thiếu hụt trình độ giáo dục của người lớn gần 42,9%. Riêng 6 tiêu chí còn lại mức độ thiếu hụt chiếm tỷ lệ không cao. Vì thế trong 5 năm tới, công tác giảm nghèo của tỉnh cần quan tâm hỗ trợ các chính sách tập trung cơ bản vào giải quyết tình trạng thiếu hụt của 4 tiêu chí trên.
Trong việc triển khai nhiệm vụ công tác giảm nghèo những tháng cuối năm 2016, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Quan điểm của Trung ương là giảm dần chính sách cấp phát, cho không hộ nghèo mà chuyển sang hình thức cho vay, cho mượn theo cơ chế chính sách cụ thể đến từng đối tượng, nhằm tạo ý thức cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên nhận thức đúng hơn về tiêu chí giảm nghèo tiếp cận đa chiều. Từ đó việc nhận đỡ đầu hộ nghèo phải sao sát hơn, hướng dẫn cách làm ăn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có hướng giúp đỡ thiết thực, hiệu quả...”.
Hội LHPN huyện Đông Hải bàn giao mái ấm tình thương cho hội viên nghèo. Ảnh: T.T
CẦN CÓ CHÍNH SÁCH KỊP THỜI
Với việc tiếp cận và giảm nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều hiện nay là thách thức rất lớn đối với địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, thậm chí có xã tỷ lệ hộ nghèo ở mức 45,7% (xã An Trạch, huyện Đông Hải). Trong đó, khó khăn nhất là việc giải quyết tiêu chí thiếu hụt về nhà ở. Với đặc điểm của vùng có khí hậu tương đối ôn hòa, ít chịu thiên tai nên xu hướng của người dân cũng không nhất thiết phải xây dựng nhà ở kiên cố. Bên cạnh đó, vì ở vùng đồng bằng trũng thì việc xây dựng nhà kiên cố có chi phí khá cao để có nền móng vững chắc… Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt khá lớn trong tiêu chí về nhà ở. Để làm giảm nhanh tiêu chí này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng rà soát chính xác và phân loại các đối tượng như: nhóm thuộc diện cho vay xây dựng nhà ở có lãi, nhóm không lãi và nhóm cho tặng… Xác định phải tập trung cho tiêu chí quan trọng này, từ đầu năm đến nay cả hệ thống từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực vận động, hỗ trợ để xây dựng 121 căn nhà tình nghĩa, tình thương. Và tỉnh cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn tất thủ tục sử dụng nguồn vốn 8 tỷ đồng để giải quyết vấn đề nhà ở cho hộ nghèo. Riêng tiêu chí về bảo hiểm y tế thì tỉnh cũng đã vận động và cấp trên 300.000 thẻ cho người nghèo với tổng kinh phí trên 94 tỷ đồng. Qua nắm bắt thực trạng hộ nghèo thì vốn sản xuất vẫn là yếu tố mà hộ nghèo cần nhất. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh có định hướng thoát nghèo theo vùng, chẳng hạn như vùng ven biển, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng lúa… Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương phân loại hộ nghèo theo các đặc điểm như: không đất sản xuất, thiếu vốn, lười biếng chây ì, bệnh tật, già yếu… để có các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Để hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh dần tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, tỉnh sẽ từng bước đầu tư toàn diện từ điện, đường, trường, trạm... từ các nguồn vốn xã hội hóa và nguồn hỗ trợ từ các dự án, chương trình. Và tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là điểm mấu chốt trong công tác giảm nghèo. Từ đó, các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương với nhiệm vụ đỡ đầu hộ nghèo cũng sẽ có kế hoạch giúp đỡ cụ thể. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có gần 2.770 hộ nghèo được nhận đỡ đầu với số tiền trên 11 tỷ đồng. Sự mới mẻ trong nhiệm vụ giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ trong cách làm hay việc đưa chính sách mới vào cuộc sống. Nhưng với định hướng đúng đắn và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của cộng đồng thì việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 6% vào năm 2020 sẽ được hoàn thành. Và chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng lên rất nhiều từ việc tiếp cận các dịch vụ xã hội”.
HOÀNG UYÊN
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững