Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Huyện Đông Hải: Nỗ lực phát triển đô thị
Xây dựng và phát triển từng bước để thị trấn Gành Hào đạt các tiêu chí đô thị loại IV, xã Điền Hải đạt các tiêu chí đô thị loại V là mục tiêu mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đông Hải đã đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây được xem là nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho một huyện vùng ven biển xa xôi như Đông Hải. Để đạt được mục tiêu đúng tiến độ, cần có sự nỗ lực rất lớn của địa phương và sự đồng hành, tiếp sức của tỉnh, Trung ương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung vừa có buổi làm việc với huyện Đông Hải nhằm giúp huyện tháo gỡ khó khăn, đề ra một số giải pháp để địa phương thực hiện nghị quyết một cách hiệu quả. Bên cạnh việc di dời chợ cũ vào khu Thương mại thị trấn Gành Hào (chú trọng việc hỗ trợ các tiểu thương), đồng ý ghi vốn xây dựng khu Trung tâm hành chính huyện, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chủ trương để huyện thực hiện cơ chế đổi đất lấy cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các nhà đầu tư về với huyện vùng sâu - Đông Hải; xây dựng, mở rộng Cảng cá Gành Hào với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng (cảng cá loại 1), nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường huyết mạch, đường ở một số khu vực nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn… |
Những năm qua, huyện Đông Hải đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu hình thành thị trấn Gành Hào trở thành khu vực trung tâm của huyện. Một số trụ sở cơ quan, đơn vị ngành huyện và những công trình trọng điểm như: Kè chống sạt lở ven biển và cửa sông Gành Hào, Cảng cá, Trung tâm thương mại, Nhà máy nước sạch Gành Hào, tuyến đường Phan Ngọc Hiển, tuyến đường Ngọc Điền, tuyến đường Giá Rai - Gành Hào và các tuyến đường trong nội ô thị trấn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Từ đó diện mạo của một đô thị miền biển đang dần hình thành.
Còn với xã Điền Hải, đến năm 2015 đã đạt 16/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; có 100% đường giao thông nông thôn “xóm liền xóm”; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển nhanh; việc giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng phát triển; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, thị trấn Gành Hào và xã Điền Hải cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Hiện tại kết cấu hạ tầng, kho tàng, bến bãi, đường giao thông, cống thoát nước, các công trình văn hóa, thể dục - thể thao của cả hai địa phương trên còn yếu kém; vốn đầu tư toàn xã hội thấp. Đối với thị trấn Gành Hào thì một số tiêu chí để đạt đô thị loại IV còn thấp so với quy định, như: tỷ lệ đất giao thông trong khu vực nội thị so với diện tích đất xây dựng nội thị đạt 0,99%; mật độ đường giao thông trong khu vực nội thị đạt 10,86km/km2... Ở xã Điền Hải, dù kinh tế có sự tăng trưởng khá, nhưng chưa vững chắc; kiến trúc công trình, không gian cảnh quan đô thị chưa được hình thành rõ rệt. Mặt khác, một số tiêu chí đô thị loại V đạt thấp, như: tỷ lệ đất giao thông trong khu vực nội thị so với diện tích đất xây dựng nội thị đạt 15,48%; mật độ đường trong khu vực nội thị đạt 20,5km/km2...
Trong tương lai, Cảng cá Gành Hào sẽ được đầu tư với quy mô cảng cá loại 1. Ảnh: T.T
Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, trong từng lĩnh vực cụ thể, huyện Đông Hải đã xây dựng giải pháp chi tiết để từ đó hoạch định hướng phát triển phù hợp. Trước tiên là khẩn trương lập kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn, xác định rõ danh mục, lộ trình, phân kỳ đầu tư các công trình trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn thị trấn Gành Hào và xã Điền Hải. Chẳng hạn như mở rộng một số tuyến đường, như: đường Phan Ngọc Hiển (nối dài), đường 1/3, đường Lê Thị Riêng (thuộc thị trấn Gành Hào) và một số đường giao thông vùng ven, như: đường Kinh Tư - Khâu, đường Kinh Tư - Cống Xìa, Gành Hào - Hộ Phòng Đông, mở rộng không gian trung tâm xã Điền Hải... Đồng thời, huyện cũng chủ động tranh thủ các sở, ngành chức năng tỉnh hỗ trợ đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; vận dụng các cơ chế xã hội hóa đầu tư theo quy định của pháp luật, huy động nguồn vốn theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT); vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA)... để đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo kế hoạch hàng năm. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn, như: bến bãi, các khu dân cư, chợ, siêu thị, hệ thống cấp nước sạch, các điểm vui chơi, giải trí, Lăng ông Nam Hải (thị trấn Gành Hào)...
Bằng sự quyết tâm vào cuộc ngay từ đầu nhiệm kỳ và sự giúp sức của tỉnh, nhà đầu tư, hy vọng huyện Đông Hải sẽ đạt được mục tiêu của nghị quyết xây dựng đô thị để phát triển bền vững.
Hoàng Uyên
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững